Là bố mẹ, có bao giờ bạn đã thật sự suy nghĩ xem nỗi sợ hãi lớn nhất của con trẻ là gì?





Cậu con trai 5 tuổi đang chăm chú xem một chương trình điều tra xã hội. Bố cậu bé là một tác gia, nhìn thấy đứa con trai còn nhỏ như vậy mà đã quan tâm đến vấn đề xã hội nên trong lòng ông rất vui, ông bèn hỏi: “Sao con không xem hoạt hình?”.“Không xem!” - cậu bé trả lời một cách cứng rắn.Thấy con trai không thích bị làm phiền, ông bố cũng không chú ý nữa và tiếp tục công việc của mình.


Đến tối đi ngủ, đột nhiên cậu bé quay sang hỏi bố: “Cái gì gọi là vứt bỏ con hả bố?”. Mặc dù đã được bố giải thích vấn đề một cách rất cặn kẽ, nhưng cậu bé vẫn không hài lòng và hỏi tiếp: “Vậy ở thành phố, mỗi năm có bao nhiêu đứa bé bị bỏ hả bố?”. Ông bố đáp: “Cái này bố phải tra lại đã!”. Khi đang loay hoay kiểm tra thông tin, thì cậu bé lại hỏi: “Cả nước mình có bao nhiêu hả bố? Cả thế giới có bao nhiêu hả bố?”.
Lúc này, ông bố mới ngẩn người ra như tỉnh ngộ. Thì ra, chương trình điều tra xã hội mà con trai xem hôm nay là một điều tra thực về tình trạng sinh tồn của những đứa trẻ bị bỏ rơi trong cô nhi viện. Song, điều cậu bé quan tâm chính là việc mình có bị trở thành một đứa bé bị bố mẹ bỏ rơi hay không. Đó mới là “ý đồ” thật sự trong những câu hỏi của cậu bé dành cho bố.
Thông thường, nỗi sợ hãi lớn nhất của trẻ chính là sợ bố mẹ không thương hoặc không cần mình nữa. Trong cuốn “Phía đông vườn địa đàng” (John Steinbeck - Mỹ) có viết:“Nỗi sợ lớn nhất của mọi đứa trẻ là mất đi tình yêu thương và bị bỏ rơi chính là địa ngục mà chúng khiếp sợ. Sự phẫn nộ khi bị vứt bỏ sẽ tạo nên tâm lý trả thù, dẫn đến hành vi phạm tội theo một hình thức nào đó. Có đứa trẻ đã cự tuyệt tình yêu mà nó khao khát…, chôn giấu những tổn thương trong lòng, trở thành trộm cắp, dùng tiền đổi lấy tình yêu. Lại có trẻ oán trách cả thế giới, thường xuyên sống trong nỗi đau và sự thù hận”.

Vì vậy, dù trong tình huống nào cũng không nên để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi. Nhiều bà mẹ cho trẻ đi đâu đó cùng, thường giận dữ quát khi thấy con nghịch ngợm: “Nếu không chịu đi thì mẹ sẽ bỏ con ở đây!”. Cách nói này sẽ gây ra nỗi sợ bị bỏ rơi, tạo cảm giác hoang mang trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Để tránh trẻ nảy sinh cảm giác bị bỏ rơi, tùy theo độ tuổi của con, bạn cần có cách ứng xử sao cho khéo léo và phù hợp nhất. Hãy luôn ở bên trẻ mọi lúc có thể. Chẳng hạn với trẻ còn nhỏ, bạn đừng len lén rời khỏi khi thấy bé đã ngủ. Bạn nên có sự chuẩn bị từ trước, như đặt một tấm ảnh cả nhà chụp chung ở đầu giường trẻ nằm, hoặc có thể thu giọng nói của mình vào một máy thu âm nhỏ, để trẻ cảm thấy tình yêu của bố mẹ vẫn luôn ở cạnh bên.
Văn Thành (tạp chí Bầu)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn