Bạn mừng vì bé yêu rất dễ ngủ, không thức dậy nhiều lần nửa đêm, nhưng lại cảm thấy mệt mỏi vì bé thường bình minh khá sớm. Trong khi bố mẹ vẫn còn ngái ngủ, thì bé đã thức giấc và khiến cả nhà phải dậy theo. Làm thế nào để bé dậy muộn hơn và không quấy rầy giấc ngủ của bạn?





Kéo rèm cửa thật kín: Nếu phòng ngủ của bạn có cửa sổ, hãy nhớ kéo kín rèm trước khi đi ngủ. Nhiều em bé (và cả người lớn nữa) đều khá nhạy cảm với ánh sáng. Khi bình minh, nhất là mùa hè, những tia sáng có thể hắt vào căn phòng của bạn từ lúc sớm và khiến em bé thức giấc. Dần dần, phản xạ dậy sớm vào một giờ nhất định hình thành giống như một chu trình sinh học của bé.

Giảm tối đa những tiếng ồn: Nếu phòng ngủ gần cửa sổ và phố xá nhộn nhịp, bạn nên tìm cách hạn chế những tiếng ồn vào sáng sớm. Cửa sổ cần có kính cách âm, em bé nên được chặn bằng thú nhồi bông hoặc chăn, để không bị giật mình bởi tiếng động. Bạn cũng có thể bật quạt hoặc điều hòa, chút âm thanh “ro ro” của động cơ sẽ át lại tiếng ồn ngoài phố.

Có thể cho bé thức muộn hơn:
Trẻ ngủ quá sớm cũng thường thức dậy sớm. Vì thế, hãy cho bé ngủ muộn hơn một chút, có thể bắt đầu khoảng 10 phút, rồi cứ thế kéo ra theo cữ mà bạn muốn. Để thực hiện được điều này, giờ ngủ trưa và các giờ ăn của bé cũng cần được điều chỉnh. Nên nhớ, áp dụng việc điều chỉnh múi giờ một cách từ từ, chứ không thể vội vã thay đổi.
Ngủ ít hơn một chút vào ban ngày: Trong khoảng 6 tháng tuổi, mỗi đứa trẻ cần ngủ hơn mười bốn tiếng mỗi ngày. Các bé không ngủ liền giấc buổi trưa, buổi tối như người lớn, mà mỗi giấc ngủ được chia thành nhiều cữ ngắn hơn trong ngày. Bạn có thể điều chỉnh múi giờ, cho bé thức dậy trong mỗi giấc ngủ sớm hơn bình thường một vài phút, để bé tập trung cho giấc ngủ ban đêm và lúc sáng sớm.
Cứ để cho bé “đợi” bạn: Khi bé trở mình và bắt đầu “ọ ọe” gọi bạn vào lúc sáng sớm, đừng ngay lập tức lao ra khỏi giường và chạy đến cũi của bé. Hãy cứ để bé “ọ ọe” thêm và tự giải quyết các “vấn đề” của mình trong lúc bạn đang ngái ngủ. May mắn, em bé có thể sẽ tiếp tục ngủ lại khi không thấy bạn đến bên. Nếu không, bé sẽ học được cách tự chơi một mình những khi chưa có mẹ.

Đặt đồ chơi cho bé: Nếu bóng tối không có tác dụng kéo dài giấc ngủ của bé, bạn có thể bật một chiếc đèn ngủ có ánh sáng nhẹ nhàng gần với chỗ bé nằm và đặt thêm một vài món đồ chơi quanh cũi của bé. Khi thức giấc mà chưa có mẹ, bé có thể tự mình chơi với những món đồ chơi có sẵn đó. Nhưng nhớ là, các món đồ chơi phải tuyệt đối an toàn để không ảnh hưởng gì đến bé khi chơi một mình.
Tập cho bé biết chờ đợi bữa sáng: Nếu ăn bữa đầu tiên vào lúc 5 rưỡi sáng, dạ dày của bé sẽ thường “sôi lên” vào giờ này và bé luôn thức dậy đòi ăn vào đúng giờ này vì cảm thấy đói. Vì vậy, bạn hãy lui lại thời gian ăn sáng của bé. Kể cả khi mình đã thức giấc vào giờ đó, bạn cũng nên cho bé đợi thêm ít phút nữa. Dần dần, bé sẽ dậy muộn hơn vì “cái bụng” đã quen với việc ăn vào giờ mới.
Phương Linh (tạp chí Bầu)







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn