Khoảng thời gian nuôi dạy con là lúc bạn phải “va chạm” với rất nhiều tình huống khác nhau. Nhưng cũng qua đó, bạn mới có thể rút ra những kinh nghiệm quý giá từ chính con cái của mình.







Một lần, khách của chị Trinh đến nhà chơi. Cô ấy rút ví, lấy tờ giấy bạc năm chục ngàn đưa cho bé My - con gái chị, để mua quà. Cầm tiền trong tay, bé My không biết nói gì. Chị Trinh vội nhắc: “Con cám ơn cô đi chứ!”. Bé My ngượng nghịu, rồi buông ra một câu thật bất ngờ: “Có vậy thôi à?”. Chị Trinh điếng người, vội đỡ lời: “À không, cháu nói đùa đấy cô ạ!”. Đợi khi khách ra về, chị liền lấy roi quất con mấy cái. Bé My lăn ra khóc ầm ĩ. Thấy em bị đánh, đứa con lớn của chị trên lầu chạy xuống hỏi: “Vì sao mẹ đánh em vậy?”. Chị Trinh phân bua: “Đồ hư, không bị đòn sao được! Cô V. cho tiền mà nó dám nói có vậy thôi à”. Được dịp, chị dạy luôn: “Còn con nữa, sau này ai cho thứ gì phải nói lời cám ơn nghe chưa!”. Nét mặt con bé xìu xuống, môi nó mấp máy như muốn nói điều gì, nhưng thấy mẹ đang giận nên đành lặng im. Mãi về sau, đợi cho mẹ nguôi ngoai, nó đến bên cạnh thỏ thẻ: “Sở dĩ, bé My nói vậy cũng có nguyên nhân đó mẹ! Vì mỗi lần ba đem tiền lương về đưa cho mẹ, mẹ đều nói “Có vậy thôi à!”. Em con bắt chước mẹ đó!”. Chị Trinh bỗng giật mình vì con bé nói đúng quá. Chị tự nhận ra, chính mình là người có lỗi, vì đã “gieo” vào đầu con câu nói vô tình đó.


Vừa dọn đến chỗ ở mới, hai đứa con của vợ chồng anh Tạo được dặn dò: “Đi học về là ở yên trong nhà, học bài, ăn cơm, đi ngủ có giờ giấc… Không được chạy sang nhà hàng xóm làm gì. Nhớ chưa?”. Nhưng rồi, ông nội vội lên tiếng: “Gia đình mình vừa dọn đến đây, cũng phải qua lại cho biết bà con làng xóm chứ!”. Anh Tạo gạt phắt: “Thôi đi, biết họ tốt xấu thế nào mà giao du, rồi họ lại xộc vào nhà mình thì phiền phức lắm!”. Hai bé chẳng thể hiểu ai đúng, ai sai, đành nghe theo lời dặn dò của ba mẹ. Ông nội của bọn trẻ đã nghỉ hưu, nên có thời gian lân la mấy nhà hàng xóm gần đó. Ông làm quen với nhiều người, nhưng tuyệt nhiên không kể gì chuyện ngoài ngõ với các cháu. Mấy ngày nay, nguồn nước gặp sự cố, khiến cái bồn chứa lớn cũng cạn theo. Cả nhà không dám tắm giặt, vì phải để dành nước cho nấu nướng, nên ai cũng thấy bứt rứt. Ông nội đi đâu về, nhìn các cháu nói: “Hai đứa qua nhà ông Tư xin nước đi! Ông đã nói với ông ấy rồi. Nước giếng nhà ông Tư rất sạch và mát”. Anh Tạo thốt lên mừng rỡ: “Vậy sao ba!”. Bọn trẻ vẫn chưa chịu đi, vì chưa được ba mẹ cho phép. Thấy vậy, anh Tạo cũng chột dạ. Anh nói như chia sẻ với các con: “Làm quen với hàng xóm cũng lợi chứ! Sau này, các con phải nghe lời ông nội đấy!”.

Có lần, chị Hạnh nói với con gái: “Con học giỏi, mẹ sẽ mua cho con chú gấu bông”. Thế rồi một hôm tan học về, con bé khoe: “Hôm nay, con được hai điểm mười. Mẹ nhớ thưởng nhé!”. Giữ lời hứa, nhân tiện đi chợ, chị ghé ngang cửa hàng đồ chơi để mua gấu bông cho con. Nhưng chợt nhớ ra, ở nhà còn một con gấu bông đã mua cho con cách đây hai năm, đưa cho nó chơi cũng được. Nghĩ vậy, nên chị không mua nữa. Trưa hôm sau, đi học về, con gái chị lại khoe được cô giáo khen trước lớp vì biết giúp đỡ bạn trong học tập. Chị Hạnh cũng vui lây, rồi sực nhớ đến con gấu bông cũ, chị vội lên lầu lấy đưa cho con: “Mẹ mua cho con đấy!”. Con bé ôm chú gấu vào lòng và vuốt ve ra chiều thích thú. Bỗng nó xị mặt xuống, nhìn chú gấu thật kỹ và im lặng. Lát sau, nó nói: “Bạn Mai có hứa cho con cây kẹp tóc mới, nhưng sau đó lại đưa cái kẹp cũ. Lẽ ra, con không lấy vì bạn ấy nói dối,. Nhưng sợ bạn buồn, nên con nhận luôn!...”. Bấy giờ, chị Hạnh mới hiểu. Hóa ra, mình đang lừa dối con mà vô tình xem đó là chuyện nhỏ, không có gì ầm ĩ…
Thùy Như (tạp chí Bầu)







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn