Như nhiều trẻ khác, em bé của bạn rất cần được mẹ yêu thương, che chở và thấu hiểu. Điều đó giúp bé luôn có cảm giác an toàn, được bảo vệ và gần gũi hơn với mẹ. Để có được điều này, bạn cần phải cố gắng “nhìn ngắm” mọi thứ bằng chính cặp mắt của trẻ.





* Lòng tự trọng con trẻ: Dù bạn tin rằng, mình là một người mẹ tốt và hiểu con nhất nhưng chưa chắc, thực tế đã như vậy. Trẻ con có những cách nhìn rất khác người lớn và chúng phản ứng với những “chuyển động” bên ngoài thế giới bằng nhiều thái độ mà bạn khó hiểu hết được. Chẳng hạn, khi không thể xếp lại được bộ lắp ghép hoàn chỉnh, bé sẽ có thái độ giận dữ hoặc khó chịu. Lúc ấy người lớn thường cho rằng, thái độ đó là do bé quá nóng tính hoặc thiếu kiên nhẫn. Nhưng sự thật là bé chỉ cảm thấy mình hơi yếu đuối và dễ bị tổn thương bởi lòng tự trọng “quá cao” mà thôi.

* Lắng nghe con:
Ở độ tuổi này, trẻ chưa đủ khả năng thể hiện được những thứ mình thích, mình cần bằng ngôn ngữ bởi chưa đủ vốn từ vựng. Tuy nhiên, đừng vì thế mà cha mẹ phớt lờ việc lắng nghe con. Hãy cho trẻ cơ hội được nói cho dù lời lẽ của trẻ vẫn còn rời rạc, kém mạch lạc và đôi khi còn làm tốn thời gian của người lớn. Trường hợp bạn đang định mắng bé vì tội bày bừa đồ đạc ra sàn nhà ngay sau khi bé vừa chơi xong, hãy cho bé cơ hội được trình bày lý do của mình. Lúc ấy, hãy chăm chú nghe con nói và đừng cắt ngang lời trẻ. Cha mẹ cũng nên bình tĩnh và giữ được khuôn mặt, cử chỉ nhẹ nhõm, không quá căng thẳng lúc bé nói chuyện. Ngoài ra, bạn cũng có thể gật gù, hỏi thêm bé vài câu nữa liên quan đến những điều bé đang nói để tỏ thái độ chăm chú lắng nghe và quan tâm đến câu chuyện của bé. Những lời động viên của cha mẹ cũng có tác dụng khuyến khích tinh thần của con. Nếu thấy con có vẻ đang buồn bởi một em bé khác đã lấy mất đồ chơi, bạn có thể chia sẻ: Mẹ biết là con không vui vì anh Bi cầm mất quả bóng của con mà không chịu xin phép. Có đúng thế không hả Su Su?

* Bé cần được hiểu và thông cảm:
Từng lời, từng chữ của bạn rất có ý nghĩa với trẻ. Nhưng quan trọng hơn là bạn cần thể hiện được sự hiểu thấu những cảm giác và mong muốn của trẻ. Khi bạn nhận ra bé buồn chỉ vì anh Bi suốt ngày được điều chỉnh TV trong khi bé chẳng bao giờ được tự lựa chọn chương trình mình yêu thích, hãy “điều chỉnh” tình hình bằng cách hứa với bé rằng lần sau con sẽ được quyền ưu tiên lựa chọn các kênh truyền hình. Điều này không có nghĩa là bạn quá nuông chiều con và đáp ứng tất cả những gì bé yêu cầu mà chỉ mang tính chất rõ hơn rằng, bạn hiểu và thông cảm với bé, có thể đáp ứng những nhu cầu trong tầm tay mà không quá đáng, vượt quá khả năng của cha mẹ. Thêm vào đó, việc điều chỉnh ấy còn thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng các con như nhau.
Diệu Ly (tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn