Từ 5 - 6 tuổi, trẻ đã bắt đầu tò mò, muốn tìm hiểu và khám phá về những gì xung quanh, nhất là cả những điều cơ bản về cơ thể mình cũng như của các bạn khác giới. Để giúp cha mẹ định hướng tốt cho con trẻ về vấn đề này, PV Bầu đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ tâm lý Quách Thúy Minh (Nguyên Trưởng khoa Tâm lý – BV Nhi TƯ).





<strong style="text-align: justify;">Kính chào bác sĩ! Xin bà cho biết là các bậc cha mẹ có nên giải thích với con về tình dục không và ở độ tuổi nào của trẻ là hợp lý nhất?[/B]
Nhiều bố mẹ thường tránh né hoặc cho là hỗn láo khi trẻ hỏi về vấn đề liên quan đến sex và quát nạt cho qua chuyện. Nhưng thực tế, đó là điều vô cùng sai lầm của người lớn. Chúng ta cần giải thích và nói chuyện với con về những vấn đề tế nhị đó một cách thẳng thắn và rõ ràng nhất. Thời điểm thích hợp nhất đề cập đến vấn đề này là khi trẻ từ ngoài 4 tuổi. Đây là độ tuổi mà các bé đã đi học ở trường, nên bắt đầu tiếp xúc với nhiều ý nghĩ, quan niệm và những tư tưởng sai lệch từ những bạn cùng trang lứa hay các anh chị lớn hơn. Vì thế, chúng thường rất tin tưởng vào những gì nghe được, dù có kì quặc đến đâu chăng nữa. Lúc này, bố mẹ là những người thực sự quan trọng với các em. Thực tế, có những trẻ từ độ tuổi mẫu giáo cũng đã sẵn sàng nghe những câu trả lời phức tạp hơn về tình dục.

Nếu vậy, cha mẹ nên nói với bé về sex như thế nào, thưa bác sĩ?

Hãy bình tĩnh và thật thoải mái. Khi con hỏi về tình dục (hay những chủ đề tế nhị khác), tốt nhất, bạn hãy tỏ ra đây là vấn đề hết sức bình thường để bé không cảm thấy đó là điều đáng ngượng ngùng hay bị ngăn cấm. Rất nhiều phụ huynh thấy bất tiện khi nói chuyện về tình dục với con, bởi họ chưa từng có kinh nghiệm chia sẻ những chuyện đó bao giờ hoặc rất sợ phải nói quá sâu về vấn đề đó. Dù lạ lẫm hay lúng túng đến đâu, bạn hãy cố gắng trả lời các câu hỏi một cách thật chân thành và bình tĩnh. Điều quan trọng, là phân tích những vấn đề khó mà không tỏ ra mất tự nhiên. Bọn trẻ thường chú ý lắng nghe âm điệu hơn là những điều bố mẹ đang nói. Hãy thật đơn giản với những câu trả lời ngắn gọn và không quá phức tạp.
Nếu bé chưa thỏa mãn với sự giải thích mà tiếp tục hỏi thì cha mẹ làm thế nào?
Nhiều em sẽ thấy thỏa mãn với những câu trả lời như thế, song không ít bé lại tiếp tục với những câu hỏi khác. Bạn cần trả lời những câu hỏi đó nếu con thực sự quan tâm, nhưng không nên khiến bé quá tải với các thông tin khi đã muốn dừng lại để đi chơi. Bên cạnh, cần khuyến khích trẻ. Dù câu hỏi của con là gì, bạn cũng không nên cáu kỉnh và không lái chuyện sang hướng khác. Bởi như vậy, đều làm cho con bạn hiểu rằng, câu hỏi của chúng bị cấm kỵ và thật tồi tệ khi nghĩ về điều đó.
Trường hợp chưa biết để trả lời cho trẻ, cha mẹ nên nói với bé thế nào, thưa bà?
Nếu không biết câu trả lời, bạn hãy nói thật, như “Mẹ không chắc lắm, nhưng mẹ con mình cùng đi tìm hiểu nhé”. Thậm chí, nếu con gây ra cho bạn một tình huống khó xử, đừng đánh lạc hướng, mà hãy nói với bé thật nhẹ nhàng. Bạn có thể cho bé biết rằng, chuyện này chỉ nên nói nhỏ với con. Vì vậy, nên chờ đến lúc về phòng riêng và chỉ có hai mẹ con, bạn hãy nói cho bé hiểu.
Gần đây, có nhiều vụ việc xảy ra bởi các tên “yêu râu xanh”. Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho phụ huynh để giáo dục trẻ?
Trước tiên, cha mẹ cần dạy trẻ biết một số bộ phận trên cơ thể chúng là riêng tư. Hãy để trẻ biết rằng, người khác không được nhìn hoặc chạm vào những bộ phận ấy, trừ những trường hợp được phép chạm để chăm sóc hoặc khám chữa bệnh. Đồng thời, nói cho con biết là khi có người chạm vào những bộ phận riêng tư để chăm sóc thì phải có mặt cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy có mặt tại đó. Cần căn dặn con, nếu có ai cố tình đụng đến những bộ phận đó, bé cần phản đối và mách với bố mẹ hay người đáng tin cậy gần đó càng sớm càng tốt.

Không thể tránh được những lúc “riêng tư” của bố mẹ mà bé vô tình nhìn thấy. Trong tình huống đó, cha mẹ cần làm gì?

Rất nhiều bố mẹ thấy “sợ hãi” khi con mình vào phòng lúc họ đang quan hệ. Điều này khiến người trong cuộc gần như không thể không bối rối, nhưng hãy thử bình tĩnh. Tùy vào phản ứng của con mình lúc đó, bạn sẽ đưa ra câu trả lời phù hợp. Có thể, bé sẽ lo lắng và thắc mắc “Bố có làm đau mẹ không?”, hay tò mò “Sao bố mẹ lại gây ra tiếng ồn như thế?, “Bố mẹ đang chơi trò đấu vật à?”… Nếu bé có vẻ không quan tâm, bạn có thể không cần giải thích điều gì đang xảy ra. Bé có thể không nhìn thấy nhiều nếu phòng tối và bạn đang có vải che trên người. Có thể chỉ cần nói đơn giản là “Bố mẹ đang dành thời gian riêng tư cho nhau”, hay “Mẹ và bố chỉ đang ôm nhau vì rất yêu nhau mà thôi”. Cần đảm bảo chắc chắn rằng, con không hề thấy lo lắng hay sợ hãi bởi những gì nhìn thấy và nhấn mạnh là bé không làm gì sai cả. Đặc biệt, cha mẹ cũng nên dạy con về quyền riêng tư nữa.
Vây, chúng ta nên dạy trẻ về quyền riêng tư và phép lịch sự bằng cách nào, thưa bác sĩ?
Phải nói cho trẻ hiểu được nhu cầu thỉnh thoảng các bạn cần có “thời gian riêng tư”. Bé cũng cần biết rằng, nếu phòng ai đang đóng cửa thì phải gõ cửa trước khi vào phòng. Để làm được điều này, mỗi người lớn trong gia đình nên làm gương và thực hiện điều này khi trẻ đã đóng cửa phòng. Có thể, bé cũng đã cần hoặc chưa cần riêng tư, song điều ấy sẽ giúp trẻ hiểu nội quy tốt hơn, nếu bạn cũng thực hiện tốt.

Trẻ mẫu giáo thường rất thích thú với việc
thấy mẹ mang bầu và sinh nở. Chúng ta nên nói với các bé thế nào về chuyện này?
Rất nhiều trẻ sẽ hỏi: “Mẹ chỉ cho con thấy cách bố mẹ tạo ra em bé được không?”. Hãy chân thànhgiải thích với trẻ rẳng, bố mẹ tạo ra em bé trong thời gian riêng tư của mình. Vào những lúc như thế, bố mẹ muốn âu yếm nhau để thể hiện tình yêu cho nhau. Đó là cách bố mẹ đã tạo ra con - nhưng trong thời gian đặc biệt dành riêng cho bố mẹ. Nếu trẻ lại hỏi tiếp: “Con có thể có em bé không?”. Lúc này, mẹ có thể bảo cho bé biết một số thông tin về sự khác nhau của cơ thể người lớn và trẻ em. Chẳng hạn: “Có em bé là điều chỉ người lớn mới làm được. Cơ thể con chưa sẵn sàng, nhưng con sẽ làm được khi lớn hơn…”.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Tường Lâm (tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn