Theo bác sĩ Lã Thị Bưởi, lựa chọn được những trò chơi vừa gắn kết tình cảm, vừa giúp con phát triển tư duy, trí tuệ là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, cha mẹ nên tập cho con làm quen dần với con số và mặt chữ thông qua các trò chơi, ngay từ khi trẻ còn nhỏ.





Bác sĩ tâm lýLã ThịBưởi cũng cho biết, tuy rất cần thiết nhưng cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với sách toán và các bài tập quá sớm. Việc nhồi nhét kiến thức liên quan đến khái niệm con số, mặt chữ một cách máy móc, cứng nhắc sẽ khiến trẻ không hứng thú, nản lòng và thậm chí, ghét học toán. Đặc biệt, bạn cần lưu ý đến trí lực của trẻ để bồi dưỡng khả năng quan sát, sự chú ý, tư duy, ghi nhớ… một cách phù hợp. Đồng thời, giúp trẻ hình thành những thói quen, sở thích tốt cho cuộc sống sau này. Ngay từ đầu, bạn không được quát mắng, rầy la mà cần tạo cho con niềm hứng thú vui chơi, học tập. Cha mẹ hãy chọn những thời điểm bé đang có sức khoẻ và trạng thái tinh thần tốt nhất để chơi cùng con. Dưới đây là những trò chơi của một số phụ huynh mà bạn có thể áp dụng với em bé nhà mình.

Trò chơi làm quen với môn toán

- Thu Hiền (GV Trường mầm non TT Đông Sơn – Thanh Hóa): Ở lớp, tôi thường dạy các bé làm quen với môn toán thông qua những trò chơi gần gũi, như đếm ngón tay chẳng hạn. Tôi xòe bàn tay của mình và các bé ra, rồi đếm: “Một, hai, ba, bốn, năm! Bàn tay các con có 5 ngón, bàn tay của cô cũng thế! Chúng ta cùng đếm nào!”. Tương tự, với trò xếp hình, bạn cũng vừa xếp vừa đếm với bé. Khi nghe nhạc, bạn hãy đếm những bước chân đi. Nếu đang ăn nho, bạn hãy đếm từng quả cho vào miệng… Những cách này sẽ giúp bé hứng thú học hơn rất nhiều. Bạn cần lưu ý là đếm thật to khi vui chơi cùng con.
- Thúy Hằng (Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội):Mình thường giúp con thông qua những công việc mà bé cùng tham gia hàng ngày. Ví dụ lúc dọn bàn ăn, mình nói: “Nhà ta có 4 người. Con hãy lấy giúp mẹ 4 đôi đũa”. Bạn cũng có thể đưa ra những câu hỏi như: “Đố con có bao nhiêu con cá trong đĩa? Khi mẹ cho thêm 2 con cá nữa, trong đĩa sẽ có mấy con? Nếu hai chị em ăn hết 3 con cá thì số cá còn lại là bao nhiêu?”.v.v…
- Minh Thu (Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng): Mới 22 tháng tuổi, nhưng em bé nhà tôi đã đếm được từ 1 đến 10. Tôi thường dùng kẹo, hoa quả hay những đồ chơi để khuyến khích con đếm bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, bạn có thể nói “1 con gấu, 2 con gấu…” khi chơi đồ chơi với bé, hoặc “1 cái bánh, 2 cái bánh…” lúc đưa bánh cho bé ăn. Với những chiếc kẹo (hay thứ khác), tôi dạy con cầm 1 cái kẹo lên và đếm “1”, rồi đặt sang một bên. Sau đó, lại giơ cái khác lên và đếm “2”, rồi đặt bên cạnh cái trước đó. Cứ như vậy cho đến 10, bé lại cầm những chiếc kẹo khác và làm tương tự. Bé rất thích thú với trò chơi này.

- Thu Huyền
(Đại Từ, Đại Kim, Hà Nội): Cách của mình là chuẩn bị khoảng 10 tờ giấy trắng, mỗi tờ vẽ sẵn một hình có kèm theo con số (ví dụ: số 1 là hình con cá, số 2 - hình vuông, 3 - hình tam giác…). Sau đó, hỏi bé: “Đố con hình con cá là số mấy, hình tam giác số mấy, hay số 3 ở hình nào?”. Lúc đầu, mình cho con học toán bằng cách làm quen với bảng số từ 1 đến 9. Mình lấy các số ra khỏi bảng, rồi hướng dẫn bé lắp những chữ số đó vào đúng các ô khuyết.
- Hải Duyên (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội): Ngay từ đầu, tôi thường dạy con tập đếm với các vật dụng như que nhựa, bảng tính, hoa quả, xem giờ đồng hồ… Bây giờ, em bé được 19 tháng và đã biết đếm rồi. Hôm bữa, tôi gọi và bảo: “Con đi lấy điều khiển tivi cho mẹ, cả 2 cái ở trên nóc tủ nhé!”. Bé chạy đi và mang đến đúng 2 cái điều khiển. Tôi cảm thấy rất vui. Ngoài ra, hai mẹ con cũng hay chơitrò đếm số trong… bồn tắm. Tôi dùng xẻng và xô nhựa, đếm từng xẻng nước khi múc đổ vào xô, cùng bé thổi và đếm số bong bóng, đếm cả ngón chân và ngón tay của con nữa…
Trò chơi nhận diện chữ cái
- Minh Hà (Công ty TNHH Hà Thủy, Tp. HCM): Mình dùng 10 tấm bìa cứng và viết vào đó 10 chữ cái thật to. Sau đó, cùng con chơi trò “ai nhanh hơn” như sau: hai mẹ con cùng nghe một bài hát (bản nhạc) và quy định, khi bản nhạc kết thúc phải dẫm chân lên một chữ cái bất kỳ (chữ H chẳng hạn). Ai nhanh hơn và dẫm chân lên trước, người đó sẽ thắng. Một cách khác cũng với những tấm bìa trên, là mình đố con tìm ra chữ cái trong tên của bé, sai bé cầm con cá nhựa đặt vào chữ C, bảo con lấy búp bê để vào chữ B hoặc ra lệnh bé đứng vào chữ A và nhảy 5 lần...

- Ngọc Hà
(Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội): Tôi đã áp dụng nhiều phương pháp, song con thường hay mau quên. Tuy nhiên, cũng có một cách giúp bé nhớ lâu để chia sẻ cùng các bạn. Đó là, tôi thường dán các chữ lên trước cửa (khoảng 2 hoặc 3 chữ). Lúc bé đi học về, tôi yêu cầu con đọc những chữ đó và đọc đúng thì mới mở cửa cho vào. Đôi khi, bé cũng hay quên nên tôi phải nhắc. Chỉ một tuần sau, bé đã có thể nhớ được rất nhiều mặt chữ.
- Thúy Vy (Vynewoline@gamil.com): Vì con trai rất thích siêu nhân nên mình mua về đồ chơi này thật nhiều. Những chú siêu nhân nhỏ được chính bé đặt tên riêng như Gao, Bốp, Bi… Mình viết chữ cái tên của các siêu nhân đó rồi dán vào. Sau đó, cho tất cả vào giỏ đồ chơi và nói: “Con hãy tìm siêu nhân Gao đưa cho mẹ!”. Khi bé tìm được, mình lại hỏi: “Trên lưng của siêu nhân Gao có chữ gì?”. Cứ thế, tiếp tục lần lượt với các siêu nhân còn lại. Bạn cũng có thể hoán đổi các chữ cái ở những chú siêu nhân và đố bé tìm ra. Ví dụ như: “Đố con, mẹ để chữ B ở siêu nhân nào?”. Lúc này, bài học chữ cái được chuyển thành trò chơi và bé phải nhớ tên siêu nhân bằng một chữ cái “mật mã” nhất định. Như vậy, bạn sẽ giúp con tập trung nhớ tốt hơn, nhận mặt chữ cái nhanh hơn rất nhiều lần so với cách chỉ từng chữ và cho bé học thuộc.

- Phương Lan (Lan.phuong14htc@gmail.com): Tôi dán rất nhiều tranh có chữ cái ở phòng chơi và phòng ngủ của con (cả in hoa và in thường, tiếng Anh lẫn tiếng Việt). Lúc đầu, chỉ là để cho vui mắt, nhưng sau đó, bé tò mò tìm hiểu và cứ liên tục hỏi mẹ. Có lần, con hỏi về chữ a thường và A hoa, tôi đều bảo là “chữ a”. Bé hỏi lại: “Sao lại thế?”. Tôi phải giải thích cặn kẽ và chỉ cho cháu biết: “Đây là bảng chữ hoa, còn bảng này là chữ thường”. Vậy là dần dần, cu cậu cũng nhớ hết. Đến 3 tuổi, bé đã thuộc bảng chữ cái (cả thường và hoa) cùng tất cả các con số. Theo tôi, không nên dạy con học thuộc lòng mà cần dạy từng chữ một, để khi hỏi về chữ hoặc số nào là bé có thể biết được ngay.
Tường Lâm (bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn