Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất dành cho con. Mặc dù vậy, nó vẫn có thể chứa một số chất độc gây hại cho cơ thể non nớt của bé. Dưới đây là những thông tin hữu ích dành cho chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ.





Sữa mẹ có thể hấp thu chất độc
Độc tố là những chất hóa học có trong môi trường. Nghe có vẻ nguy hiểm nhưng thực tế, những độc tố này tồn tại hàng ngày và đi vào cơ thể con người rất dễ dàng, nhưng ở một mức rất thấp, không gây hại đến sức khỏe. Chúng có mặt trong thực phẩm, trong các sản phẩm như mỹ phẩm, đồ gia dụng, nước uống và không khí… Độc tố thường gặp nhất là dioxin và polychlorinated biphenyls (PCBs). Cả hai loại này tồn tại rất lâu trong môi trường vì rất khó phân hủy và một lượng nhỏ có thể sẽ bị hấp thu vào cơ thể con người.
- PVC: Có trong đồ chơi, đồ hộp, túi nhựa đựng thức ăn và một số sản phẩm dân dụng khác. PVC khi cháy sẽ tạo ra dioxin – chất gây ung thư rất nguy hiểm.
- Penta: Có trong các sản phẩm điện tử và sơn đánh bóng đồ gỗ.
Những chất này ảnh hưởng đến hệ thần kinh, rối loạn hormone và giảm khả năng tái tạo tế bào cơ thể. Chúng thường được tìm thấy trong các thực phẩm chứa chất béo như thịt và sữa. Một số độc tố khác có thể xuất hiện trong sữa mẹ như thủy ngân, chì, kim loại nặng, dung môi…

Hạn chế tối đa độc tố trong sữa mẹ

Nhằm tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé và hạn chế tới mức thấp nhất về độc tố trong sữa mẹ, bạn hãy thực hiện theo những lời khuyên sau:
- Chế độ ăn uống khoa học và cân bằng, kết hợp giữa hoa quả, rau xanh, chế phẩm từ sữa, thịt cá và tinh bột.
- Hạn chế ăn chất béo từ động vật bằng cách bỏ bớt và chắt lượng mỡ thừa khi chế biến.
- Tránh để thực phẩm nóng trong nilong hoặc bát đĩa nhựa vì có thể sản sinh ra dioxin.
- Uống nhiều nước giúp cơ thể có thể đào thải các độc tố qua đường nước tiểu thay vì qua sữa mẹ.
- Tập thể dục thường xuyên cũng có tác dụng bài tiết chất độc qua đường mồ hôi.
- Với các sản phẩm từ sữa, nên sử dụng loại tách béo hoặc có hàm lượng chất béo thấp.
- Dầu từ các loại cá rất có lợi cho bạn và bé, nhưng tốt nhất, bạn nên hạn chế lượng dầu cá nạp vào cơ thể bằng cách chỉ ăn cá tối đa 2 lần/tuần. Những loại cá cần tránh khi đang cho bé bú là cá kiếm, cá marlin, cá mập… vì chúng chứa hàm lượng độc tố rất cao.

- Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, không có chất bảo quản vì chất bảo quản chứa rất nhiều độc tố. Nếu có điều kiện, bạn nên tự trồng rau để phục vụ cho các bữa ăn gia đình. Truờng hợp không rõ thực phẩm mua có chất bảo quản hay không, bạn hãy ngâm rửa thật kĩ trước khi chế biến (có thể dùng máy khử ozone).
- Không nên dùng viên nang dầu gan cá (nhất là viên nang cá moruy) vì gan là bộ phận giúp đào thải chất độc khỏi cơ thể, các chất độc thường tích tụ lại ở đây. Nếu muốn sử dụng viên nang dầu cá, hãy chọn loại chiết xuất từ phần thịt cá.
- Hạn chế sử dụng những vật dụng như sơn, keo dính, hồ dán, sơn móng tay, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nước hoa…
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có cồn.
Linh Đỗ (bau.vn)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn