Những thực phẩm như bánh kẹo chứa cà phê, khoai tây chiên, một số loại đồ uống… thường mang lại cảm giác “ngon miệng” nên đa số trẻ đều ưa thích. Tuy nhiên nếu ăn nhiều, có thể ảnh hướng xấu tới sức khoẻ của các bé, vì chúng giàu calo, đường, muối, dầu mỡ, nhưng lại rất ít dưỡng chất.





Trẻ nhỏ là đối tượng không cần nhiều calo, nhưng lại cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển, nên có những thực phẩm gây hại cho trẻ nhiều hơn người lớn. Nhiều loại đồ ăn vặt có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, khiến bé không còn hứng thú với các bữa ăn chính giàu dưỡng chất. Bác sĩ Christine Gerbstadt – Phát ngôn viên của Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ, đã đưa ra danh sách các thực phẩm mà bố mẹ cần hạn chế cho con sau đây:

Đồ ăn

* Đồ ăn sẵn: Các loại thức ăn đóng hộp rất được ưa chuộng vì sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, đa số chúng đã mất đi một lượng chất dinh dưỡng đáng kể và được thêm các chất phụ gia, chất bảo quản không có lợi. Hơn nữa, đồ ăn sẵn thường chứa rất nhiều chất béo, đường và muối – những tác nhân chính gây bệnh béo phì. Do vậy, bạn nên tự nấu ăn cho con và cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm này như thịt hộp, cá hộp, mỳ, bim bim…
* Thạch:Với các bé còn ít tuổi, bạn không nên cho ăn thạch để tránh nguy cơ hóc nghẹn. Đồ ăn vặt ưa thích này chứa nhiều đường, chất làm màu và hương liệu tổng hợp – các chất không hề có lợi cho sức khoẻ của trẻ. Bạn nên thay thạch bằng sữa chua hoặc phomai và cho con ăn vào các bữa phụ.
* Bánh quy:Đây cũng là món ăn vặt tiện lợi, giúp bé luyện tập khả năng cắn và nhai. Nhưng nếu ăn nhiều, thường dễ gây no và khiến bé chán ăn bữa chính. Bánh quy có hai loại là mặn và ngọt, loại nào cũng không tốt cho trẻ. Loại ngọt rất bám dính, dễ gây sâu răng. Loại mặn chứa rất nhiều muối (Na) – thành phần cần hạn chế vì thận của bé còn rất yếu. Bạn nên cho bé ăn hoa quả hoặc ngũ cốc trong các bữa phụ thay cho bánh quy, vì chúng giàu dưỡng chất hơn.

Đồ uống

* Các loại có gas, soda: Những đồ uống phổ biến được trẻ rất thích này không hề có chất dinh dưỡng, lại chứa nhiều đường, gây cảm giác “no giả” và khiến bé có nguy cơ cao bị sâu răng, béo phì. Do vậy, bạn cần hạn chế tối đa cho trẻ uống đồ có ga, soda.
* Nước ép hoa quả: Dù được chiết xuất từ trái cây, nhưng nước ép hoa quả không chỉ có lợi cho sức khoẻ như bạn tưởng. Thành phần chính trong đồ uống này là nước và rất nhiều đường, bởi chất xơ đã bị loại bỏ trong quá trình ép. Sử dụng một số loại nước trái cây trong khi chế biến thức ăn cho bé (nhất là nước ép táo và lê) là lựa chọn không khôn ngoan của các bậc cha mẹ. Chuyên gia dinh dưỡng Leanne Cooper cho biết, các phân tử đường trong nước ép hoa quả có thể tăng tốc độ của thức ăn khi đi qua đường tiêu hoá, khiến các dưỡng chất trong thực phẩm không được hấp thụ hoàn toàn. Dùng nhiều nước trái cây còn có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước ép hoa quả. Từ 6 – 12 tháng tuổi, bạn có thể cho bé sử dụng, nhưng nên hạn chế và thay bằng hoa quả tươi là tốt nhất.
Mỹ Lệ (bau.vn)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn