Cha mẹ đều muốn con cái của mình hoàn thiện về nhân cách. Nhưng đôi khi, chính những việc làm hàng ngày của họ đã vô tình hình thành lối sống thiếu sự quan tâm, san sẻ với người khác ở trẻ...





Lỗi từ người lớn
Vợ chồng chị Mai Phương (Q. 3, Tp. HCM) chỉ có một mụn con “cầu tự” nên hết mực cưng chiều. Thấm thía sự thiếu thốn về vật chất ngay từ nhỏ nên khi có con, vợ chồng chị quyết định không để bé Ly - con gái mình - thiếu hụt bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, chị Phương thường dạy con theo kiểu: “Mẹ không thích con cho bạn mượn đồ chơi. Chúng sẽ làm hư cho mà xem!” hoặc “Bạn nào hay nghịch phá, tuyệt đối không cho chơi chung”… Thi thoảng, mấy đứa em con cậu đến nhà chơi, chị Phương không bao giờ quên dè chừng với con gái: “Cất hết đồ chơi mới đi. Con không nhanh tay, mấy đứa phá tan tành cho mà xem!”. Bé Ly thấy mẹ “hình sự” nên hốt hoảng làm theo và chẳng dám hỏi han gì thêm. Hơn thế, đôi khi chị còn trầm trọng hóa vấn đề bằng những lời lẽ có phần nặng nề để nhắc nhở con về ý thức giữ gìn đồ đạc của riêng mình. Cứ như thế, bé Ly hành động rập khuôn theo ý mẹ như một cái máy bởi chẳng hiểu nguyên nhân vì sao. Đang vô tư, hồn nhiên, cô bé trở nên khó ưa, thích gây gổ, tranh giành với bạn bè. Thậm chí với cả ba mẹ, bé Ly cũng không chừa thói “thủ” cho riêng mình.

Càng ngày, chị Phương càng tỏ ra bức xúc vì cái tính “ki bo” của con. Nghĩ lại, chị thấy bé Ly mắc phải tính xấu này cũng phần nào do mình mà ra. Giá như trước kia, chị đừng để con nhìn thấy cảnh mình một mực từ chối cho cô bạn đồng nghiệp mượn cái máy sấy tóc vì sợ bị hư, hoặc không cho bác hàng xóm mượn chiếc áo mưa vì sợ quên trả… thì hẳn bé Ly đã biết sống chan hòa và rộng lượng hơn với những người xung quanh. Cũng từ đó, cô bé đâm ra ích kỷ với ngay cả mấy anh chị em bà con trong nhà. Và rồi, chuyện trẻ con làm mếch lòng người lớn cũng phát sinh không ít. Chưa kể việc đến nhà người quen, bé Ly có thói quen giành đồ của bạn, còn của mình cứ khư khư ôm lấy chẳng cho ai đụng đến.

Tác động từ hoàn cảnh sống

Ngay từ bé, trẻ có xu hướng hình thành và phát triển tư duy nhận thức khá rõ rệt nên những tác động xung quanh có ảnh hưởng không nhỏ. Những gì tiếp thu từ cha mẹ và qua tiếp xúc với bạn bè cùng lứa dễ làm cho trẻ nhớ lâu hơn. Điều này góp phần định hình nhận thức của trẻ một cách trong sáng nhất. Cũng vào giai đoạn này, phương pháp giáo dục trẻ rất quan trọng. Tuy thụ động do tư duy đang hình thành và trình phát triển, nhưng trẻ tiếp thu và thực hiện theo những điều được nghe và thấy một cách có ý thức. Ngoài ra, việc cha mẹ dạy cho trẻ ý thức bảo quản đồ vật để tạo nề nếp tốt trong sinh hoạt, lại vô tình tạo cho trẻ tính không biết san sẻ, nhất là khi bài học này bị đặt sai chỗ. Cho và nhận là đức tính tốt cần được rèn luyện đối với trẻ em lẫn người lớn. Nó còn là thói quen giúp mỗi người có cách sống tốt hơn trong cộng đồng và giúp giảm thiểu những xung đột có thể xảy ra.
Thạch Thảo (bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn