Sau khi lọt lòng mẹ, mặc dù còn bé nhỏ, non nớt nhưng bé đã bộc lộ những khả năng kỳ lạ. Nhận biết sớm điều này, bạn sẽ giúp con phát triển tốt các kỹ năng ngay từ đầu đời, đặc biệt bằng khả năng phát triển ngôn ngữ.





1. Nhận biết thiện ác từ khi 6 -7 tháng tuổi
Các chuyên gia ở ĐH Yale (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu ở nhóm trẻ sơ sinh trên tạp chí Nature cho hay, ngay từ khi mới được 6 -7 tháng tuổi, thông qua đồ chơi, trẻ nhỏ đã nhận biết được thiện ác, nhất là những loại đồ chơi có hình dạng, màu sắc thân thiện bề ngoài. Từ nhận thức này, trẻ biết chọn những đồ chơi phù hợp, “kết bạn” với những món đồ mà chúng có cảm tình. Đây là bước đầu tiên hình thành nhân cách nên bạn cần cho con tiếp xúc nhiều với môi trường thân thiện, nhằm giúp trẻ phân biệt thiện ác. Cổ nhân có câu “gần đèn thì rạng” cũng là để nói đến thiên hướng này ở trẻ.
2. Biết phân biệt ngôn ngữ khi 4 - 6 tháng tuổi
Các chuyên gia giáo dục ở ĐH Purdue (PU) vừa kết thúc nghiên cứu ở 36 em bé dưới 6 tháng tuổi và phát hiện thấy, trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ nói hai ngôn ngữ khác nhau có khả năng nhận biết rất nhanh các loại hình ngôn ngữ này. Ví dụ, những đứa trẻ có cha người Anh, mẹ người Pháp hoặc ngược lại thì có khả năng phân biệt 2 ngôn ngữ này rất nhanh. Sau này lớn lên, chúng sẽ nói thành thạo cả hai ngôn ngữ, nhất là sau khi được 15 tháng tuổi và khả năng phân biệt ngữ pháp bắt đầu thể hiện rõ nét.
3. Phân biệt giọng nói của phụ nữ từ 7 tháng tuổi
Viện Hàn lâm khoa học Mỹ vừa công bố nghiên cứu chuyên sâu dài kỳ ở nhóm dưới 7 tháng tuổi cho biết, trẻ từ 2 tháng đến 7 tháng tuổi trở ra đã biết phân biệt giọng nói và khuôn mặt của phụ nữ. Bằng chứng, chỉ cần cho các bé xem những bức ảnh của phụ nữ trên video kèm theo âm thanh, chúng có thể nhận biết sự khác biệt này. Chính phả năng nói trên đã giúp trẻ phân biệt được đâu là mẹ, dì và chị em trong nhà. Đặc biệt, nhóm trẻ này bỏ ra rất nhiều thời gian và quan tâm nhiều đến hình ảnh của những người thân quen gần gũi với chúng.

4. Học rất nhanh trong khi… đang ngủ!

Đó là kết luận dựa vào nghiên cứu dài kỳ của Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ (NAS) kết thúc cuối năm 2010 ở 26 trẻ sơ sinh mới được 1 - 2 ngày tuổi. Theo nghiên cứu trên, âm thanh phát ra từ những ca khúc hay lời ru truyền thống thường làm cho trẻ nháy mắt tới 200 lần trong vòng 30 phút khi đang ngủ. Tần suất này được đo bằng hệ thống gối 124 điện cực được lắp trên đầu trẻ. Sóng não trong quá trình ngủ, hiện tượng nhấp nháy mắt chính là sự phản hồi của não, hay sự "hưởng ứng" của não đối với môi trường xung quanh. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đi đến kết luận, trẻ mới sinh cần nhiều thời gian để ngủ nên khi ngủ, não vẫn làm việc và liên thông với bên ngoài, giúp trẻ thu thập thông tin và quá trình "phản hồi - tiếp nhận" liên tục phát triển. Cơ chế này chứa đựng rất nhiều điều phức tạp mà khoa học hiện đại vẫn chưa tường hết.
5. Việc làm của người lớn ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ sơ sinh
Chỉ nhìn qua vào mắt trẻ, người ta có thể nhận thấy các bé rất quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những hành động trực quan mà chúng nhìn thấy. Năm 2009, các chuyên gia ĐH Harvard (Mỹ) phát hiện thấy trong não nhóm trẻ 9 tháng tuổi có một vùng, gọi là vùng hiếu động "motor region" rất nhạy bén để khám phá về những hoạt động xung quanh. Người ta tình nghi, trong vùng "motor region" có hệ thống thần kinh "gương" (mirror neurons) đóng vai trò quan trọng. Đây chính là các tế bào đảm nhận các hoạt động trực quan, kích hoạt rất mạnh trước khi có một hành động xảy ra, giúp cho trẻ phát hiện nhanh những gì xảy ra trong thực tế và cũng là vùng quan trọng giúp kỹ năng giao tiếp của trẻ phát triển.
6. Hiểu được tâm trạng, cảm xúc
Một trong những điều kỳ lạ khác của trẻ sơ sinh là hiểu được tâm trạng và cảm xúc của những người xung quanh, nhất là những người thân như cha mẹ. Chúng biết được lúc nào mẹ buồn và không làm nũng. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Neuron ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi, các nhà khoa học Mỹ phát hiện thấy ngay từ khi mới được 5 tháng tuổi, trẻ đã phát triển năng khiếu này, nhận biết rất nhanh ngữ thái tình cảm của những người xung quanh, thậm chí còn biết được cả những đoạn vui buồn trong bản nhạc Xô-nát thứ 7 của nhạc sĩ thiên tài Bethoven.

7. Nắm bắt cảm xúc động vật cảnh

Theo nghiên cứu của ĐH Utah(Mỹ) công bố trên tạp chí Tâm thần phát triển (DP) số ra năm 2009 thì trẻ nhỏ 6 tháng tuổi không chỉ bập bẹ những từ đơn giản như “mẹ mẹ” hay “bà bà” mà chúng còn "giải mã" rất tốt ngữ thái cảm xúc của một… con chó. Khi con vật nghe thấy những âm thanh này, nó cũng đáp lại bằng những hành động vui buồn hay dận dữ. Như vậy, khả năng xã hội của trẻ phát triển rất sớm và chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà khoa học chưa từng biết.
8. Phân biệt “đẳng cấp” khi được 10 tháng tuổi

Nhóm chuyên gia ở ĐH Copenhagen (Đan Mạch) vừa kết thúc một nghiên cứu chuyên sâu về não bộ của trẻ sơ sinh và phát hiện, ngay từ khi được 10 tháng tuổi, trẻ đã biết phân biệt được đẳng cấp trong xã hội, biết được ai là “sếp”, ai là người quan trọng thông qua việc xếp các khối hình tương tác, những khối hình lớn thường được trẻ ưu tiên xếp đầu. Tiến sĩ Lotte Thomsen, người đứng đầu nhóm chuyên gia trên khẳng định, điều đó chứng tỏ trẻ sơ sinh đã hiểu sơ bộ về sự phân cấp trong xã hội thông qua kích thước khối hình. Nó được hình thành trong não trẻ từ khi mới lọt lòng và đây cũng là cơ số để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là hình thành những câu cơ bản trong ngôn ngữ nói và viết sau này.
Khắc Nam (bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn