Những khi dạy học hoặc bảo con làm việc gì mà trẻ không làm được, một số phụ huynh thường quát mắng con, khiến trẻ hoặc nổi nóng cãi lại hoặc “chai lì” không chịu tiếp thu. Vậy là việc dạy dỗ con trở nên ầm ĩ khắp nhà mà trẻ chẳng có tiến bộ gì hơn.





Không chỉ thế, có những ông bố, bà mẹ còn đánh con, ấn tay gí vào đầu bé hoặc quăng ném sách vở của con. Phải chăng họ không yêu thương con mình? Có phải bằng cách ấy thì con mới học tốt hơn, mới nghe lời? Có lẽ, đấy chỉ là những hành động bột phát thể hiện sự kém kiềm chế không làm chủ được cảm xúc của bố mẹ. Mỗi trẻ sinh ra có những tư chất khác nhau. Có em thông minh, có em chậm hơn một chút so với bạn bè cùng lứa. Tuổi các bé là tuổi còn vui chơi, còn đang phát triển về thể chất và tâm lý. Những kỳ vọng của bố mẹ là con ngoan học giỏi là điều đương nhiên, nhưng dạy dỗ sao cho con nên người là cả một quá trình lâu dài và cần sự kiên nhẫn.

Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của trẻ, khi khó khăn, trẻ cần sự khuyến khích, định hướng nên làm thế nào cũng như sự ân cần chỉ bảo. Bản thân bố mẹ sau khi quát mắng con nhiều khi cũng chưa nguôi sự giận dữ hoặc có khi lại tự trách bản thân. Khi đã nóng tính, chúng ta không đủ tỉnh táo và sáng suốt để nghĩ ra nên tìm cách nào để giúp đỡ con hiểu ra vấn đề. Nếu bố mẹ nóng tính thường xuyên thì trẻ cũng sẽ học tính đó của bố mẹ và trở thành người nóng tính hoặc bướng bỉnh, lì lợm và chống đối.
Một số trẻ trở nên né tránh tiếp xúc, không cởi mở chuyện trò chia sẻ với bố mẹ những khó khăn của mình trong học tập cũng như trong cuộc sống. Như vậy do nóng tính, vô tình chúng ta đã đẩy con cái xa rời ta.
Muốn kiềm chế được sự nóng nẩy của mình khi dạy dỗ con, bố mẹ phải luôn giữ được sự bình tĩnh và giữ cho cảm xúc thăng bằng. Ví dụ, nếu trẻ mắc một lỗi nào đó, cha mẹ nên xem xét sự việc đã xảy ra như thế nào một cách khách quan bằng việc hỏi con cặn kẽ, nghe trẻ kể lại và giải thích. Mặt khác, có thể tìm hiểu thêm nếu sự việc đó có liên quan đến người khác. Bố mẹ có thể đặt cho con câu hỏi để trẻ tự nhận thức được vấn đề, tự nhận thấy sai sót của mình và hướng giải quyết tích cực, phù hợp nhất. Sau đó, bạn cần bàn bạc với con cùng tìm ra cách khắc phục sai lầm và định hướng cho trẻ tiếp theo nên làm gì.

Nếu dạy con học mà bé kém tập trung chú ý thì nên nhắc nhở con vào bài học, không nên để những yếu tố xung quanh gây nhiễu khi trẻ đang học. Nếu con không biết cách làm một bài toán chẳng hạn, bạn nên bảo con đọc kỹ đề bài, xem lại kiến thức cơ bản đã học rồi áp dụng vào bài tập con đang làm…Với những trẻ nhỏ, nhận thức còn chưa phát triển thì bố mẹ nên hướng dẫn con cụ thể cách làm một việc theo thứ tự từng bước, vừa làm vừa giải thích cho bé hiểu để làm theo. Mỗi khi thấy trẻ cố gắng hoàn thành một việc gì cha mẹ cần khen ngợi, động viên để con tiếp tục phát huy. Lời khen, lời động viên đối với trẻ em có hiệu quả giáo dục rất nhiều so với những lời chỉ trích mắng mỏ nặng lời. Nếu chẳng may con mắc lỗi làm bố mẹ rất giận dữ thì khi đó, nên tự kiềm chế bản thân bằng cách hít thở sâu, không căng thẳng đầu óc, chùng lỏng các cơ bắp, dừng lại một lúc, không nên nói to và cân nhắc nên nói với con như thế nào cho có tác dụng. Tất nhiên, nếu con có hành vi vi phạm nặng nề, chúng ta phải có thái độ kiên quyết và dứt khoát nhưng phải bình tĩnh và lời nói phải mang tính thuyết phục. Đối với những trẻ có những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, tăng động, tự kỷ… thì thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng tình cảm của bố mẹ lại càng cần thiết khi dạy dỗ con.
Cha mẹ cần đối xử với con như những gì con vốn có và chấp nhận trẻ. Không chê bai, mắng mỏ, cười nhạo, coi thường trẻ sẽ làm trẻ mất tự tin. Hãy luôn là người bạn của con, người thầy của con với tình cảm của người làm cha mẹ, luôn đồng hành cùng con để giúp trẻ vượt qua những khó khăn và hòa nhập với cuộc sống một cách tốt nhất.
Th.S Quách Thúy Minh - BV Nhi TƯ (bau.vn)








Nguồn SKĐS




Theo bau.vn