Những thứ đồ chơi thông thường rất dễ khiến bé chóng chán. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách tổ chức những trò chơi thú vị, vừa giúp bé có cảm giác mới lạ và phát triển trí lực, vừa giúp bạn có thể kiểm soát được bé.





<strong style="">Cướp biển và kho báu [/B]

+ Cần chuẩn bị: Những đồ vật đóng vai “kho báu” để làm phần thưởng cho bé, như: ô tô, bộ xếp hình, truyện tranh hoặc robot (cho bé trai) hoặc búp bê, đồ chơi nấu ăn, váy áo mới… (với bé gái).
+ Cách chơi: Giấu kho báu một nơi kín đáo (không gây nguy hiểm cho bé khi đi tìm) và để lại một vài “manh mối” (có thể là sticke hình mũi tên chỉ hướng) ở vài điểm bé có thể tìm đến như góc nhà, gầm bàn… Thậm chí, bạn có thể vẽ một “bản đồ” để gợi ý và chỉ dẫn cho bé đi tìm kho báu. Khi tìm ra, kho báu ấy sẽ chính là phần thưởng dành cho bé.
+ Tác dụng: Trò chơi này giúp bé được rèn luyện khả năng tìm hiểu, óc phân tích và tìm tòi một cách tốt nhất. Thế nên, bạn đừng bận tâm vì bé lục tung và bày bừa cả căn phòng.


Đồ vật còn thiếu

+ Cần chuẩn bị: Những vật dụng sạch sẽ như cốc, chén, bát nhựa, mắc quần áo, gối ôm, bình xịt tưới cây, giỏ đựng hoa quả, máy sấy tóc… cùng phần thưởng nho nhỏ dành cho bé khi trả lời đúng như kẹo, hộp sữa, bánh quy, hoa quả…
+ Cách chơi: Đặt trước mặt bé khoảng 4 – 5 món đồ. Bé ngồi và nhìn kỹ các đồ vật này, rồi bạn đếm từ 1 đến 10. Sau đó, bảo bé nhắm mắt, bạn lấy đi một đồ vật bất kỳ và giấu sau lưng. Khi bé mở mắt, bạn đếm từ 1 đến 5 và cho bé phát hiện xem đồ vật nào còn thiếu. Nếu bé nói đúng, bạn tiếp tục hỏi công dụng của đồ vật đó. Bé trả lời được sẽ nhận phần thưởng bạn đã chuẩn bị trước.
+ Tác dụng: Trò chơi không những giúp bé rèn luyện trí nhớ, khả năng so sánh mà còn được học hỏi thêm công dụng của các đồ vật trong gia đình.
Nóng và lạnh
+ Cần chuẩn bị: Một vài đồ vật nhỏ như thú nhồi bông hoặc kẹo.
+ Cách chơi: Sau khi cho nhìn các đồ vật định giấu, bạn bảo bé nhắm mắt lại và đếm từ 1 đến 30. Sau đó, bạn giấu những đồ vật này quanh căn phòng trong lúc bé đếm. Đếm xong, bé mở mắt và bắt đầu đi tìm. Bạn và bé quy định từ đầu với nhau rằng, khi bé đến gần nơi giấu đồ, bạn sẽ nói “nóng quá”, còn khi bé đi ra xa, bạn lại nói “lạnh quá”. Nếu bé tìm được đồ vật, bạn và bé sẽ đổi vai trò cho nhau.
+ Tác dụng: Trò chơi này kích thích khả năng tìm hiểu, khám phá và tư duy cho bé.

Phân biệt màu sắc

+ Cần chuẩn bị: Căn phòng của mẹ hoặc của bé với nhiều đồ vật đa dạng về màu sắc. Mẹ có thể chơi cùng hoặc hướng dẫn cho con và các bé khác chơi trò này.
+ Cách chơi: Bạn và bé ngồi trong một căn phòng, “oẳn tù tì” xem ai thắng sẽ là người chơi trước. Nếu chơi trước, bé sẽ có một phút để nhìn và ghi nhớ màu sắc của những đồ vật trong căn phòng. Sau đó, bạn bịt mắt bé lại và đố: Cái ghế có màu gì? Cái bàn có màu gì? Kệ sách có màu gì?... Khi trả lời đúng 5 câu hỏi liên tiếp, bé sẽ được đổi vai và trở thành người đố.
+ Tác dụng: Trò chơi này có tác dụng rèn luyện trí nhớ và khả năng phân biệt màu sắc cho bé.
Tiến Đạt (bau.vn)







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn