Khoảng sáu tháng tuổi, số lượng men tiêu hóa trong đường ruột của bé tăng lên, trong khi trữ lượng chất sắt trở nên ít dần. Do đó, bé cần bắt đầu ăn nhiều loại thức ăn đa dạng hơn để được bổ sung đủ chất.





Lúc này, các mẹ có thể thấy bé có những dấu hiệu sẵn sàng ăn những thực phẩm khác ngoài sữa. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bé có thể tự mình ngồi ăn như người lớn mà là bao gồm các biểu hiện việc bé đã sẵn sàng để ăn dặm, như:
- Bé có thể giữ được thức ăn trong miệng.
- Tự đưa tay mình vào miệng.
- Bé có thể ngồi và điều khiển được đầu của mình.

Những thực phẩm đầu tiên dành cho bé yêu

Để làm quen dần với những thức ăn đặc, các mẹ nên bắt đầu từ những món ăn đơn giản mà bé có thể tiêu hóa được một cách dễ dàng như trái cây, rau, gạo. Bạn có thể thử các cách sau:
- Nghiền hoặc xay nhuyễn rồi nấu chín khoai tây, khoai mỡ, khoai lang hoặc cà rốt.
- Nghiền hoặc xay nhuyễn các loại hoa quả như chuối, bơ, táo nấu chín hoặc lê.
- Nghiền nát hoặc xay nhuyễn gạo thường hoặc gạo dành riêng cho em bé (trộn gạo với một chút sữa bé thường ăn).
- Cho bé ăn những miếng trái cây hoặc rau mềm nhỏ vừa phải.
Khi trẻ đã quen với rau và trái cây, bạn có thể bắt đầu thêm vào khẩu phần các loại thực phẩm khác được nghiền nát hoặc xay nhuyễn như thịt lợn, cá, thịt gà, đậu lăng… cùng các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa đầy đủ hàm lượng chất béo như sữa chua, bánh mỳ nướng cắt nhỏ...
Ngay cả khi chưa mọc răng, hầu hết các bé, các bé có thể nhai những thực phẩm dạng miếng mềm như chuối, rau nghiền, phô mai… Thay đổi kết cấu thức ăn sẽ có vai trò đắc lực trong việc giúp trẻ nhai tốt hơn, phát triển các cơ được sử dụng để nói.
Các mẹ cũng đừng nên nghĩ rằng, cho bé ăn càng nhiều vào một lúc thì càng tốt. Để mang lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ, bạn nên chia nhỏ các phần ăn cho bé. Đa số dinh dưỡng mà bé nhận được là từ sữa mẹ hay sữa pha theo công thức trong những tháng về sau. Do vậy, bạn vẫn nên cho bé bú đủ nhu cầu, hoặc mỗi ngày cho bé ăn từ 500 ml đến 600 ml sữa công thức.

Thức ăn cho trẻ cầm tay

Các mẹ có thể cho bé yêu ăn bằng thìa hoặc bằng tay. Nếu trẻ chưa mọc răng, bạn vẫn khuyến khích bé nhai bằng cách cho con cầm những thức ăn như:
- Bông cải xanh, súp lơ, đậu xanh, cà rốt đã được nấu chín và để nguội.
- Bánh gạo.
- Mỳ ống nấu chín.
- Miếng táo, đào, lê, dưa hoặc chuối đã gọt vỏ, được xắt miếng vừa phải.

Tốt nhất, bạn không nên cho trẻ ăn bánh quy ngọt để tránh sau này, bé bị quen với những món ăn ngọt. Ngay từ khi mới bảy đến chín tháng tuổi, nhiều bé đã sẵn sàng và có thể tự cầm thức ăn để ăn. Bạn đừng ngạc nhiên hay lo ngại gì nếu bé yêu của bạn cũng làm được như vậy. Bạn cũng đừng quá lo lắng bởi việc cho bé ăn làm mọi thứ xung quanh trở lên lộn xộn. Khi tập ăn, trẻ rất hiếu động và luôn muốn nghịch ngợm, chơi đùa cùng thức ăn. Để dọn dẹp dễ dàng hơn, bạn có thể sử dụng khăn trải bàn bằng nhựa, trải báo hoặc khăn trên sàn nhà khi cho bé ăn.
Thực phẩm ăn liền dành cho trẻ
Thực phẩm ăn liền được sử dụng rất tiện lợi, nhưng không phải lúc nào cũng được khuyến khích sử dụng. Nếu mua những loại thức ăn này, các mẹ nên đặc biệt chú ý:
- Kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng.
- Kiểm tra niêm phong thùng và lọ để chắc chắn còn nguyên vẹn.
- Lựa chọn các loại thực phẩm không đường hoặc thức ăn không có chất làm ngọt.
Mặc dù trên nhãn mác một số loại thực phẩm có ghi “Dành cho trẻ từ bốn tháng tuổi”, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, từ sáu tháng tuổi mới là độ tuổi hợp lý để bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn dặm. Khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, bạn nên kiểm tra nhãn mác của tất cả các sản phẩm định sử dụng vì rất nhiều loại nước sốt, súp, ngũ cốc ăn sáng và thức ăn sẵn khác có hàm lượng đường và muối cao. Cần cố gắng lựa chọn những sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe của bé và cả gia đình.
Nguy cơ bị nghẹt thở khi trẻ tập ăn
Trẻ có thể bị nghẹt thở khi ăn các thực phẩm như cà rốt sống, táo hay ngay cả khi ăn những thức ăn nhỏ khác như nho, cà chua anh đào, các loại thực phẩm có da (xúc xích) hoặc xương (các loại cá). Để tránh nguy cơ này, các mẹ hãy chú ý gọt sạch vỏ trái cây và nhặt hết xương cá, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ và nấu chín rau quả trước khi cho bé ăn. Thêm nữa, bạn cũng cần trông chừng, tuyệt đối không được để bé tự ăn một mình.
Mỹ Lệ (bau.vn)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn