Đái tháo đường ở trẻ là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, hoại thư...





Đái tháo đường (ĐTĐ) được chia làm 2 thể. Týp 1 là thể phụ thuộc insulin, chiếm khoảng 5 - 10% số bệnh nhân, thường gặp ở người trẻ tuổi và thể này có nhiều biến chứng. Týp 2 là thể không phụ thuộc insulin, chiếm khoảng 90 - 95% số bệnh nhân, thường gặp ở những người tuổi trên 40, người béo và ít có biến chứng hơn. ĐTĐ trẻ em là một bệnh nội tiết không phổ biến như người trưởng thành nhưng khoảng 90% trẻ em mắc bệnh là týp 1 phụ thuộc insulin, số còn lại là ĐTĐ týp 2, thường gặp ở trẻ bị thừa cân, béo phì hoặc trong gia đình có người mắc đái tháo đường.
Nguyên nhân
ĐTĐ týp 1 ở trẻ hiện chưa rõ ràng. Người ta thấy có yếu tố di truyền và trong phần lớn các trường hợp, dường như bệnh di truyền theo tính lép. Việc xác định mô hình gien học là một vấn đề phức tạp vì biểu hiện lâm sàng của bệnh rất thay đổi. Nó được phản ánh bằng các yếu tố như độ tuổi, sự xuất hiện và các mức độ trầm trọng khác nhau của bệnh. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng, nhiễm khuẩn có thể là yếu tố công kích khởi phát một trạng thái tiềm tàng của bệnh ĐTĐ ở trẻ em và quá trình viêm tự miễn phá huỷ cấu trúc tế bào bêta tuyến tụy, làm giảm sản xuất insulin, gây tăng đường huyết mạn tính. Vì vậy, liệu pháp điều trị thay thế insulin là bắt buộc càng sớm càng tốt ngay sau khi xác định chẩn đoán trẻ bị mắc bệnh. Lưu ý, không cho trẻ uống các loại thuốc Đông y hoặc các bài thuốc cổ truyền của người lớn. Nếu không điều trị tiêm insulin, trẻ sẽ bị biến chứng mù loà, suy thận hoặc nhiễm toan xeton máu, xeton niệu, thiếu dinh dưỡng, sau cùng là tình trạng nhiễm axit và hôn mê dẫn đến tử vong.

Biểu hiện

Bệnh biểu hiện gồm 4 giai đoạn:

1. Chưa có biểu hiện lâm sàng: Giai đoạn này, bệnh chỉ được phát hiện khi được khám và làm các xét nghiệm. Trong kết quả xét nghiệm, nhận thấy có sự thay đổi về miễn dịch, tìm thấy kháng thể kháng tế bào tiểu đảo nhưICA (Islet Cell Antibodies). Khi nhiều kháng thể có mặt như: GAD (Glutamic Acid Decarboxylase), IAA (Insulin Autoantibodies), nguy cơ ĐTĐ > 70% vào 5 năm tới. Các Marker gen làm tăng nguy cơ là HLA DR3-DQ A1*0501-DQB1* 0201, HLA DR4-DQ A1*0301-DQB1*0302 và HbA1C tăng trong máu thì nguy cơ từ 40 - 60% ĐTĐ sẽ xảy ra trong khoảng 5 - 7 năm tới.
2. Giai đoạn bị bệnh: Đây là giai đoạn đã có những triệu chứng, với hai đặc điểm lâm sàng là:
- Khởi phát đột ngột và cấp tính: Trẻ đái nhiều, uống nhiều, mất nước, rối loạn nhịp thở Kussmaul, nhiễm toan ceton và hôn mê.
- Khởi phát từ từ: Với triệu chứng đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, gầy và sút cân trong vài tuần hoặc vài tháng. Kèm theo các triệu chứng khác như: đái dầm dai dẳng, đau bụng, nôn, nhiễm trùng sinh dục và mụn nhọt ngoài da tái diễn, mệt mỏi, giảm tập trung khi học.
Cần đưa trẻ đi làm xét nghiệm glucose máu và niệu để phát hiện bệnh ĐTĐ khi có đái nhiều, uống nhiều và gầy sút cân.
3. Giai đoạn thuyên giảm một phần: Bệnh nhân không cần dùng insulin ngoại sinh vì glucose máu và HbA1C bình thường, nhu cầu insulin thấp < 0.5u/kg/ngày. Khoảng 30 - 60% trẻ em có giai đoạn thuyên giảm bệnh sau 1 - 6 tháng bắt đầu điều trị insulin. Do đó với bệnh nhi mới được xác định bệnh ĐTĐ, phải giám sát chặt chẽ glucose máu trong 6 tháng đầu điều trị insulin.
4. Giai đoạn mắc bệnh vĩnh viễn: Toàn bộ tế bào bêta tuyến tụy bị phá hủy, thiếu insulin toàn bộ nên bệnh nhi đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, giảm cân, mệt mỏi, thị lực giảm, mất nước và có thể đái đường nhiễm toan xeton. Đặc điểm ít gặp trẻ dưới 1 tuổi, tuổi mắc bệnh tăng dần và thường bị bệnh khi dậy thì (từ 10 - 14 tuổi).
Xử trí
Mục đích cần đạt được khi điều trị insulin ở trẻ em là đảm bảo đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép từ 4 - 7mmol/l vào ban ngày và 4 - 9mmol/l vào ban đêm. HbA1C < 7 %, trẻ tăng cân đi học được, phát triển thể lực và sinh dục bình thường do đó, cần theo dõi và giám sát chặt chẽ đường huyết và liều thuốc insulin để hạn chế những biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn của trẻ bị ĐTĐ không kiểm soát chặt chẽ như người lớn vì cơ thể trẻ đang phát triển cần ăn đủ chất, đảm bảo phát triển, tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì nhưng phải kiểm soát đường máu ổn định. Dẫu sao, trong qui trình điều trị bệnh, chế độ dinh dưỡng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là ở týp 2. Nếu có chế độ dinh dưỡng tốt, mức đường máu khống chế ở mức an toàn, bệnh sẽ không tiến triển nặng thêm. Trong chế độ dinh dưỡng, điều đầu tiên là cần bảo đảm đủ năng lượng để giữ cân nặng không bị sút, tiếp theo là bảo đảm sự cân bằng tỷ lệ năng lượng giữa chất đạm, mỡ, đường, trong đó protid chiếm 15%, lipid chiếm 50% và glucid chiếm 35%. Lượng protid trong chế độ ăn của trẻ bị ĐTĐ sở dĩ phải cao hơn bình thường là để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của cơ thể và cung cấp thêm năng lượng thay glucid, nhưng cũng không nên quá 20% tổng số năng lượng của khẩu phần. Khi sử dụng lipid, chú ý dùng nhiều axit béo chưa no vì cần hạn chế cholesterol ở mức thấp nhất. Một điều không thể thiếu trong chế độ ăn của bệnh nhân là chất xơ. Nên dùng thức ăn giàu chất xơ vì nó có tác dụng khống chế việc tăng đường máu sau bữa ăn. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu, qua đó giữ cho mức đường trong máu không bị tăng đột ngột ngay sau bữa ăn mà tiêu hóa hấp thu từ từ, giữ cho lượng đường trong máu không xuống quá thấp, có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Chế độ ăn giàu chất xơ khoảng 30 - 40g/ngày. Ngoài chất xơ, các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B(B1, B2, PP) cũng cần có trong khẩu phần ăn bởi các vitamin này giúp ngăn ngừa tạo thành thể cetonic.
Giải pháp phòng tránh
Dự án phòng, chống bệnh ĐTĐ Quốc gia đã và đang được triển khai với mục tiêu: Tập trung sàng lọc, phát hiện sớm những người bị tiền ĐTĐ nhằm quản lý, hướng dẫn dinh dưỡng, luyện tập hợp lý để không bị tiến triển thành ĐTĐ. Đồng thời, phát hiện người bị ĐTĐ đưa vào điều trị kịp thời nhằm giảm biến chứng của bệnh. ĐTĐ là một bệnh mạn tính phải điều trị lâu dài, rất dễ có khả năng gây biến chứng nguy hiểm và tử vong. Vì vậy, bệnh nhân cần được thực hiện chế độ điều trị nghiêm ngặt, uống, tiêm thuốc đầy đủ, đúng giờ, tuân thủ theo chế độ ăn bệnh lý và chủ động theo dõi kiểm soát lượng đường huyết, cảnh giác phòng ngừa phát hiện sớm các biến chứng mới có thể hạn chế tổn thương nặng.
BS CKII Phạm Thị Thanh Mai (bau.vn)






Nguồn SKĐS




Theo bau.vn