Trẻ dưới 3 tuổi thường mắc chứng tè dầm. Hiện tượng này sẽ hết khi các bé lớn hơn 4 tuổi, biết “thông báo” ý muốn của mình hoặc biết tự đi vệ sinh. Nhưng nếu từ 6 tuổi trở lên, trẻ vẫn tè dầm thì không còn là bình thường nữa và bạn cần cho con tới gặp bác sĩ.







<strong style="text-align: justify;">Nguyên nhân[/B]
Theo bác sĩ Minh Hương (BV Nhi TƯ), tè dầm ở trẻ có 2 nguyên nhân chính là do bệnh lý hoặc bị rối loạn tâm lý. Bệnh lý của trẻ có thể do nhiều yếu tố như: bàng quang quá nhỏ nên không đủ để chứa lượng nước tiểu, do nhiễm trùng đường tiểu nên không kiểm soát được lượng nước tiểu, trẻ bị tiểu đường, táo bón mãn tính, rối loạn hormone chống lợi tiểu hoặc có cha mẹ cũng bị chứng tiểu dầm lúc nhỏ. Bên cạnh, những biểu hiện rối loạn tâm lý của trẻ cũng dẫn tới hiện tượng tè dầm như: stress, căng thẳng khi bị mắng hoặc phạt; chứng kiến cha mẹ cãi lộn, đánh nhau hoặc ly dị hay những chuyện thường ngày có tác động tới tâm lý của trẻ...

Giúp con thế nào?

Trẻ mắc chứng bệnh này thường cảm thấy “có lỗi” và xấu hổ. Do vậy, bạn không nên trách mắng hay phạt mà hãy tâm sự, lắng nghe và nhẹ nhàng nhắc nhở bé. Để giúp con hiệu quả, bác sĩ Minh Hương dành cho các bà mẹ những lời khuyên sau đây:
* Nhắc trẻ uống nhiều nước: Uống nước nhiều sẽ sản xuất ra nhiều nước tiểu, giúp bàng quang lớn hơn và trẻ sẽ không còn hiện tượng thừa nước tiểu dẫn tới tè dầm. Tuy nhiên, chỉ cho trẻ uống nhiều nước vào ban ngày. Buổi tối, nhất là trước khi ngủ, nên hạn chế cho trẻ uống nước hay sữa (nếu có, cần cách giờ ngủ 2 tiếng).
* Động viên, khen ngợi: Bạn cần có cuốn sổ để theo dõi việc tiểu tiện của con. Hàng ngày, ghi lại số lần và giờ mỗi khi trẻ tiểu tiện, ghi lại đêm tè dầm và không tè dầm. Sau đó, đặt báo thức trước khoảng 3 - 5 phút để nhắc con dậy đi tiểu, dần dần sẽ tạo được thói quen tốt cho trẻ. Khi đã thành công và tự dậy đi tè được dù chỉ một lần, bạn cần khen ngợi và tặng trẻ một món quà để bé thấy thích thú và quyết tâm hơn. Bạn cũng có thể hứa với con là sẽ mua gấu bông hoặc cho đi công viên chơi nếu bé không tè dầm nữa…
* Tạo điều kiện thuận lợi: Ban đêm, luôn để đèn sáng trong phòng toilet. Nếu toilet ở xa, có thể để một cái bô trong phòng ngủ. Trước khi đi ngủ, bạn dặn bé là đặt bô ở chỗ này, giấy ở chỗ kia để trẻ nhớ dậy đi tè đúng chỗ.
* Giúp con kìm nén: Bạn hãy động viên giúp con kìm nén đi tiểu trong một vài phút và khuyến khích trẻ kéo dài khoảng cách giữa 2 lần tiểu. Như vậy, sẽ làm tăng dung tích bàng quang và tăng khả năng chịu đựng của trẻ.
* Gặp bác sĩ: Bạn cần cho trẻ đến bác sĩ thăm khám nếu bé có những biểu hiện như: thường xuyên tiểu dầm ban ngày, tiểu dầm kèo theo hiện tượng đau và nước tiểu nóng, dòng nước tiểu yếu hoặc nhỏ giọt, trên 6 tuổi vẫn tè dầm và không có tiến triển sau 3 tháng điều trị.

Kinh nghiệm của các bà mẹ

- Russianna82@yahoo.com: Mình đã học được một phương cách và áp dụng thành công với em bé 5 tuổi của mình. Buổi tối trước khi đi ngủ, nhắc con đi vệ sinh. Sau đó, cho bé nằm duỗi thẳng chân trên giường, tìm đúng huyệt (nằm ở chính giữa đường lằn ngang bụng, ngay trên bộ phận sinh dục của bé) và ấn ngón trỏ vào huyệt này. Đầu tiên, làm nhẹ nhàng, rồi hơi mạnh lên một chút và càng về sau thì mạnh hơn (đủ để bé cảm nhận được cảm giác tưng tức ở chỗ đó). Ấn khoảng 10 lần/buổi. Sau cùng, lấy máy sấy tóc sấy ấm chân cho bé (ở gan bàn chân). Làm khoảng một tuần, chứng tè dầm của bé đã khỏi hết.
- Mebeha2009@yahoo.com: Mẹo nhỏ của mình là dùng ít lá chè xanh và một quả cật lợn nhỏ. Chè xanh rửa sạch, đem sắc lấy nửa bắt nước đặc. Cật lợn rửa sạch, không bổ, chỉ khía rồi cho vào bắt nước chè xanh hấp cách thủy. Cho trẻ ăn và uống hết quả cật cùng bát nước (nếu không ăn hết thì ăn một nửa, có thể ăn với cơm hoặc thức ăn khác). Liên tục trong khoảng 10 ngày sẽ thành công.
- Hathu_2379@gmail.com: Mình áp dụng “chiêu tâm lý” với con gái 4 tuổi gần một tháng nay và thấy cũng khá hiệu quả. Ban ngày, mình bảo bé phải cố gắng không để “ướt quần”, khiến mẹ mệt vì giặt nhiều chăn màn. Như vậy, là con rất yêu mẹ, sẽ trở thành cô bé ngoan, được làm tổ trưởng hay tham gia vào đội múa ở trường mầm non. Buổi tối đi ngủ, mình cho cháu mặc quần áo đẹp. Vừa thấy “tiếc” bộ đồ đẹp, vừa có cảm giác như đang ở trường với nhiều bạn bè nên bé sẽ “không dám” tè dầm ra nữa.
- Cuongthuy87@yahoo.com: Mình được bác sĩ ở Viện Y học cổ truyền Quân đội cho một bài thuốc rất hiệu quả và dễ làm, như sau: Lấy một ít rau ngót, tuốt bỏ hết cuống, rửa sạch và trần qua nước sôi. Sau đó, vò nát rồi thả vào nước sôi để nguội. Cho trẻ uống mỗi lần một bát con. Dùng 2 - 3 lần đã thấy kết quả.
Nguyễn Vương (bau.vn)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn