Mắt sơ sinh nhìn rất hạn chế nhưng lại khá nhạy cảm khi nhìn vào mặt bạn hay vật bất kỳ chuyển động...





Cảm nhận của bé
Khi trò chuyện với trẻ sơ sinh qua chuyển động ánh mắt và miệng của bạn, trẻ sẽ phản ứng lại trong vòng vài phút bằng cách mở miệng và thè lưỡi. Sau sinh vài giờ, bé có thể đưa ánh mắt nhìn một vật nào đó theo hướng chuyển động. Hai tuần tuổi, trẻ có thể đưa cao tay lên như để tự bảo vệ mình trước mọi vật đang có khuynh hướng chuyển động nhanh về phía mình. Ba tuần, toàn thân nó có thể phản ứng lại bằng những cử động giật mạnh khi bạn đưa mặt mình đến gần. Tám tuần tuổi, trẻ có thể nhìn tập trung và nhận diện khuôn mặt bạn cũng như mỉm cười đáp lại và vẫy vẫy cánh tay. Ngoài ra, bé còn nhận biết nhiều đồ vật khác nhưng do vì tầm nhìn chỉ mới có thể tập trung vào những vật ở khoảng cách gần nên mọi thứ xung quanh trong mắt trẻ có khuynh hướng thể hiện trên một mặt phẳng và cách xa hơn đối với sức nhìn của nó.

Độ sâu thị lực

Từ 3 đến 4 tháng tuổi, trẻ có thể cảm nhận được những chi tiết và có khả năng nhận thức một bức tranh có hình ảnh ba chiều. Đây là giai đoạn cần thiết ngay lúc bắt đầu chuyển sang biết trườn bò và trẻ trở nên linh hoạt hơn, cho phép thị lực cảm nhận được chiều sâu, rộng và cao một cách hoàn hảo. Trẻ có thể biết sự khác nhau giữa hai bức tranh có từ hai đến ba chi tiết cũng như nhận biết những mô hình. Từ 5 đến 6 tháng tuổi, ánh mắt của trẻ đã phát triển hơn qua việc nhận biết những chi tiết cho đến khi có khả năng phân biệt, diễn tả giữa hai nét diễn cảm khác nhau của hai khuôn mặt, chẳng hạn như niềm vui, vẻ buồn bã, sợ hãi... Từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể nhận diện những sự vật và biết điều chỉnh vị trí của chúng theo ý muốn. Từ giai đoạn này, thị lực của trẻ đã phát triển một cách đáng kể nhờ não bộ có khả năng “phiên dịch” những thông tin từ những điều mà mắt trẻ có thể nhìn thấy.
Kích thích sức nhìn
Để làm được điều này, bạn cần thực hiện theo các hướng dẫn sau:
- Từ lúc chào đời, hãy đặt cạnh nôi một tấm hình chụp khuôn mặt bạn hoặc hình được cắt từ tờ báo để bé có thể nhìn được.
- Đặt một đồ vật có thể chuyển động phía trên của nôi hoặc vật có nhiều màu sắc bằng cao su để kích thích ánh mắt trẻ.
- Đặt trẻ vào xe đẩy để có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh.
Kiểm tra thị lực
Khi vừa sinh ra, bạn cần thực hiện việc ghi nhận phản ứng của trẻ lúc nhìn khuôn mặt của bạn trong khoảng cách từ 20 đến 25cm. Nếu trẻ có thể nhìn thấy mặt bạn, mặt bé sẽ thay đổi biểu cảm bằng cách hướng ánh mắt về phía bạn rồi mở và khép miệng lại. Trường hợp bạn có nghi ngờ về thị lực hoặc phát hiện mắt của trẻ chảy nước nhiều và khó chịu vì ánh sáng, cần tham khảo ngay ý kiến bác sĩ. Những dấu hiệu bất thường này dễ nhận thấy ngay khi bé còn rất nhỏ. Dưới đây là những biểu hiện về mắt của trẻ bạn cần lưu ý:

- Mắt điều tiết kém:
Khi phần bắp thịt quanh một bên mắt bị suy yếu, đầu sẽ có khuynh hướng quay sang một bên để mắt trẻ có thể dễ dàng nhìn theo hoạt động xung quanh. Bạn cần kiểm tra hai bên mí mắt có nằm ngang không mỗi khi ánh mắt bé đang tập trung nhìn vào một vật chuyển động. Nếu phát hiện trẻ nhìn bằng một bên mắt, cần tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ.
- Mắt lé:Lúc tập trung nhìn vào một đồ vật yêu thích, bạn phát hiện một mắt của bé lại nhìn về một hướng khác quá xa với bên ngoài hoặc bên trong thì trẻ có khả năng bị lé. Bạn có thể để trẻ nằm nghiêng hoặc giữ phần đầu theo một vị trí không như thường lệ để giữ ánh mắt theo một đường thẳng. Đồng thời, hãy tìm một món đồ chơi và giữ cho đầu của trẻ bất động (có thể nhờ người khác giúp bạn) và di món đồ chơi theo hình chữ H trên không trung để kiểm tra hai mắt trẻ có cùng nhìn một độ cao vào món đồ chơi đó không.
- Mù màu:Biểu hiện thông thừơng là trẻ không có khả năng phân biệt giữa hai màu xanh và đỏ, bệnh thường gặp ở bé trai nhiều hơn so với bé gái. Bạn cần dùng những viên kẹp có màu sắc sặc sỡ để yêu cầu trẻ chọn ra một số màu nhất định trong đó.
- Vùng ngoại biên mắt: Kiểm tra tầm nhìn bên mắt trẻ khi chúng đang mở rộng nhìn hai phía. Bạn chọn món đồ chơi vui mắt, khi trẻ đang nhìn chằm chằm về phía trước, từ từ di chuyển đồ vật ra phía trước mặt đến khi trẻ có thể nhìn thấy. Tầm nhìn của trẻ có khuynh hướng mở rộng mỗi bên một góc bằng 45 độ.
- Thị lực chính xác: Kiểm tra độ chính xác thị lực trẻ bằng trò chơi. Hãy đứng tại một vị trí cách xa bé khoảng 6 mét và xoè các ngón tay ra, sau đó, hỏi trẻ có thể nhìn thấy bao nhiêu ngón hoặc cho trẻ xòe số ngón tay giống như bạn. Nếu trẻ không làm được, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thị lực yếu ở trẻ lớn tháng

Trường hợp này, bạn cần lưu ý và thường xuyên kiểm tra trẻ kỹ lưỡng hơn.
- Nếu trẻ bị viễn thị, cần kiểm tra định kỳ 6 tháng để thay đổi kính đeo cho phù hợp. Bị viễn hoặc cận thị, có thể chỉ cần đeo kính từ hai hoặc ba năm trước khi tầm nhìn của bé phát triển bình thường.
- Khi mới bắt đầu đeo kính, cho trẻ làm quen bằng cách có thể mở kính ra chơi và lúc đeo vào, trẻ sẽ cảm thấy thích thú hơn vì có thể nhìn thấy mọi vật rõ ràng.
- Cần tạo điều kiện cho trẻ kích thích thị giác qua tiếng động, sự va chạm và ngửi. Bạn hãy chọn những loại đồ chơi vui mắt và có thể tạo ra nhiều tiếng động khác nhau. Trò chơi thử trí thông minh cũng rất cần thiết và nên chọn loại đồ chơi lớn, có nhiều miếng màu sắc sặc sỡ.
Thùy Như (bau.vn)









Nguồn SKĐS




Theo bau.vn