Ráy tai thường do các tuyến ráy nằm trong “tổ chức” dưới da của ống tai ngoài tạo nên và cũng có tác dụng bảo vệ thành ống tai. Tuy nhiên, khi tạo thành nút ráy thì nên lấy bỏ để tránh hiện tượng ứ đọng dịch bẩn, gây viêm ống tai ngoài và các triệu chứng ù tai, nghe kém (cản trở đường khí) làm cho trẻ khó chịu.





Cấu tạo ống tai ngoài thường không thẳng, có dạng chữ “S”. Phần ngoài của ống tai có những lông nhỏ, tuyến tạo ráy và tuyến tiết chất nhờn. Da ở phần này dày hơn phủ lên phần sụn, trong khi, phần trong da mỏng hơn. Bình thường, ống tai có cơ chế tự làm sạch. Da phát triển theo hướng từ màng nhĩ đến ống tai ngoài. Những lông nhỏ chuyển động nhẹ nhàng đẩy từ từ các hạt ráy tai và da lột từ phía trong tai ra.

Chất dịch màu vàng trong tai do các tuyến tiết ra rất có lợi, bảo vệ cho tai với các nhiệm vụ: không làm ống tai bị khô, ngăn chặn bụi bẩn, nhiễm khuẩn. Ráy tai có 3 dạng: khô, cứng và ướt. Ráy tai là một tác nhân có khả năng tự làm sạch, với đặc tính kháng khuẩn, bôi trơn và bảo vệ. Vì thế, nếu trẻ khỏe mạnh, không mắc bệnh gì về tai thì không nên lấy ráy tai thường xuyên. Những trường hợp bị hẹp ống tai, tai bị bẩn, viêm nhiễm, tuyến ráy tai bài tiết quá mạnh, cấu tạo ống tai ngoài quá hẹp, ráy tai tích lại quá nhiều thì nên vệ sinh cho bé. Tuy nhiên, bạn phải biết lấy đúng cách, không được dùng tăm bông cứng, các dụng cụ có đầu nhọn, không sạch để lấy bởi vô tình, sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn hoặc làm xây sát tổn thương ống tai... Tốt nhất, hãy đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa để lấy ráy tai khi cần thiết.
Khi bơi lặn hoặc tắm gội, nước có thể vào tai, gây ngứa, khó chịu… nên ta thường ngoáy tai cho trẻ với hy vọng thấm nước để trẻ thoải mái hơn. Nhưng, chính hành động vội vàng này dễ làm xây xước da ống tai, dẫn tới phù nề, thậm chí chảy máu tai. Từ đó, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm ống tai và đau tai cho trẻ.


Ở trẻ chưa biết nói, nút ráy tai to cũng có thể khiến bị ù tai và khó khăn khi tập phát âm một số âm trầm. Thế nên, việc lấy các nút ráy tai là rất cần thiết. Tuy nhiên, ta không nên tự lấy vì trẻ hay dãy dụa, lại không có các dụng cụ tẩy trùng để sử dụng. Vì vậy, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để lấy ráy cho bé nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra như nhiễm trùng ống tai, rách ống tai ngoài, rách màng nhĩ…nặng hơn, có thể gây tổn thương mê nhĩ tai trong và não.
Để tránh viêm tai cho trẻ, ngoài việc chú ý tránh ngoáy ráy tai khi chưa cần thiết, bạn cần phải giữ cho mũi, họng trẻ không bị viêm tái phát nhiều lần, cần nhỏ mũi các thuốc sát trùng chuyên biệt khi trẻ bị viêm, sốt, chảy mũi hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết. Đối với trẻ còn bú, bạn không nên cho trẻ bú nằm. Trẻ hay nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Khi gội đầu cho trẻ, không nên quá hạ thấp đầu trẻ vì nước dễ chảy vào tai giữa. Với những bé hay bị viêm mũi, chảy mũi, viêm amidan... cần cho đi khám để điều trị kịp thời bởi đó là nguồn gốc gây nên bệnh viêm tai ở trẻ.
BS Phạm Thị Thanh Mai (bau.vn)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn