Trẻ không gọn gàng, luôn bày la liệt đồ chơi một cách bừa bộn khiến người lớn phải dõi theo và dọn dẹp, nhặt đồ cho chúng? Bạn đừng vội “gào thét” mà hãy lên chương trình để “huấn luyện” bé yêu hình thành thói quen ngăn nắp.





Móc dán tường:Phương pháp này đặc biệt hữu hiệu để huấn luyện kỹ năng gọn gàng cho các bé. Hãy treo móc dán vừa tầm với ở chỗ thuận tiện để giúp bé có thể tự treo một số đồ cá nhân, ba lô đi học, đồ thể thao…
Túi treo nhiều ngăn:Mua loại túi để đồ treo tường có nhiều ngăn và treo ngay trong bếp hoặc vị trí hợp lý với cả nhà. Quy định một ngăn cho tiền lẻ, một ngăn cho các loại thẻ, một ngăn có thể để bài kiểm tra…

Sử dụng hộp nhựa văn phòng:
Loại này cũng rất tiện dụng. Trên bàn học tập, trẻ sẽ chia thành từng ngăn với các chức năng khác nhau: để bút, thước kẻ, gọt bút chì… Ngoài ra, các tập file tài liệu cũng nên được sử dụng để trẻ cất giấy trắng, giấy đã sử dụng, các tấm bưu thiếp, giấy viết thư... Cách này giúp các bé sắp xếp mọi thứ có trật tự và thuận tiện.
Loại bỏ giấy lộn:Nếu bạn không muốn dọn dẹp hàng đống giấy tờ bọn trẻ vứt lung tung quanh nhà, hãy Luôn yêu cầu con phân loại những tờ giấy đang dùng, cần dùng với những loại không bao giờ dùng nữa. Lâu dần, trẻ sẽ có thói quen tốt, nhận thức được cái gì cần giữ lại, phải loại bỏ để nhà cửa luôn sạch sẽ. Từ trường về nhà, ngăn cặp cũng có thể biến thành cái “sọt rác” với cơ man giấy vụn, hình gấp... nên trẻ cần phải học cách dọn dẹp cặp sách thường xuyên.

“Trả giá” nếu vô tổ chức:
Hãy để bọn trẻ phải chịu những “hậu quả” do chúng gây ra. Ví dụ, nếu bạn đã ký giấy cho phép trẻ đi tham quan với trường học vào cuối tuần, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trường hợp trẻ quên đưa lại tờ giấy cho giáo viên hoặc làm mất nó, đó là lỗi của trẻ. Và tất nhiên, sẽ không được đi chơi nữa. Việc trẻ buồn vì không được tham gia buổi dã ngoại chỉ là tạm thời, bài học về tính cẩn thận và có tổ chức rút ra từ đó mới là điều quan trọng và có tính chất lâu dài.
Không dùng nam châm dính giấy:Đừng hy vọng bạn sẽ sắp xếp mọi thứ có tổ chức bằng nam châm dính giấy. Quên ngay việc dùng cửa tủ lạnh làm “cánh cửa cải tổ” cho thói vứt giấy tờ lung tung của cả nhà. Thực tế cho thấy, việc sử dụng nam châm để dính các giấy tờ vào cửa tủ lạnh càng làm mọi thứ mất trật tự hơn vì mọi người dễ dùng, dễ gắn linh tinh và biến cách cửa tủ ngày càng nặng trĩu, trở thành cái sọt rác giấy vụn của cả nhà.

Sắp xếp bàn riêng cho bé:
Nếu nhà bạn có không gian, hãy cố gắng sắp xếp cho bé một bàn học riêng. Cho dù bé có thích làm bài trên bàn bếp hay nằm bò trên sàn nhà thì bàn riêng cũng sẽ giúp bé bớt bày bừa giấy tờ và những đồ lung tung khác.
Dọn dẹp sau khi chơi:Nên nhắc nhở con dọn dẹp trước đó ít nhất 10 phút khi bé chuẩn bị ngừng chơi. Sau khoảng một tháng thực hiện, điều này sẽ trở thành thói quen của bé và bạn sẽ không cần phải nhắc nhở những lần sau nữa.
Loại bỏ đồ chơi
Khuyến khích bé bỏ đi những loại đồ chơi cũ hoặc vỡ, hỏng. Học cách loại bỏ cũng là bước cần thiết để bé tự sắp xếp cuộc sống của mình sau này.
Nguyên Hiếu (bau.vn)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn