Những vật dụng tưởng chừng như an toàn với bé như bình sữa, đồ chơi, quần áo, dụng cụ ăn uống… lại có thể chứa các chất hóa học có hại và nếu tiếp xúc lâu dài, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Do vậy, các “bà mẹ thông minh” cần nắm rõ điều này để có cách chăm sóc tốt nhất cho bé yêu của mình.





Các chất gây hại
Các nhà khoa học đã chứng minh, một số chất hóa học sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm (bình sữa bằng nhựa, giường cũi, đệm và đồ chơi nhựa…) ở một nồng độ nhất định, sẽ gây hại cho sức khỏe của bé. Có 4 nhóm chất sau đây được dùng trong sản xuất đồ dùng gia đình mà bạn cần tránh cho trẻ tiếp xúc:

* Phthalates
: Có trong nhựa dẻo PVC và thường được tìm thấy trong đồ chơi của trẻ. Chất này có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cơ quan sinh sản. Hiện nay, Phthalates vẫn được một số công ty sử dụng để sản xuất búp bê và núm vú cao su. Tuy các cơ quan chức năng đã có điều luật cấm sử dụng chất này trong sản xuất đồ dùng trẻ em, nhưng nó vẫn tồn tại trong một số mặt hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
* Hợp chất Organotin:Được dùng làm chất ổn định trong sản xuất nhựa PVC. Nó có trong một số sản phẩm áo mưa, lót sàn bằng nhựa dẻo và đồ chơi trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, organotin có thể dẫn tới tình trạng thay đổi và rối loạn hormone trong cơ thể.
* Bisphenol A (BPA): Có trong cốc chén, bình sữa nhựa và đồ chơi, giúp cho các sản phẩm này trong và khó vỡ hơn. Tuy nhiên, chất hóa học này phá vỡ sự ổn định hormone trong cơ thể và có khả năng dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, đau tim và tiểu đường. Các nhà khoa học ước tính, nếu bú trên 4 lần/ngày bằng bình sữa chứa BPA thì rất có khả năng, bé đã hấp thụ BPA từ trong bình sữa. Ngoài ra, trẻ còn có thể tiếp xúc với BPA qua các đồ dùng như lon, bình đựng nước, đồ chơi, túi nilon nhựa, các sản phẩm tẩy rửa…
* Hợp chất bắt lửa chậm chứa brom:Có trong một số sản phẩm của bé như quần áo, giường cũi, xe đẩy, đệm… để khiến chúng chậm bắt lửa hơn. Chất này có thể tách ra và thấm vào cơ thể. Thậm chí, mẹ tiếp xúc nhiều và khi cho con bú, nó sẽ truyền sang bé theo đường sữa mẹ. Chất này có thể khiến bé mất cân bằng hormone, mất khả năng tiếp thu, nguy cơ ung thư cao và làm suy yếu hệ miễn dịch. Nguy hiểm hơn, thai phụ tiếp xúc nhiều với hợp chất chứa brom có thể gây sảy thai.

Làm gì để bảo vệ bé?

- Nói không với những sản phẩm chứa PVC, liên lạc trực tiếp với nhà sản xuất để biết rõ đồ dùng nào có chứa phthalates hoặc hợp chất organotin. Tránh xa đồ chơi không rõ xuất xứ, mua hàng có nhãn mác và được cơ sở sản xuất cam kết an toàn cho bé.
- Mua bình sữa bằng nhựa, hãy xem chỉ số dưới đáy bình (nằm trong một hình tam giác nhỏ). Nếu là số 7 - bình sữa có thể chứa BPA, nếu là số 3 - chứa phthalates và số 6 - chứa styrene.
- Mua nôi và đệm, hãy gọi trực tiếp cho nhà sản xuất để biết nó có chứa chất làm chậm bắt lửa hay không.
- Không nên dùng nôi và đệm cũ vì có thể, những sản này chưa được kiểm tra và sẽ có các chất gây hại.
Mỹ Lệ (bau.vn)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn