Với những loại bệnh thông thường như cảm cúm, sổ mũi… nhiều người thường tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa hỏi qua ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc đúng cách và an toàn không phải ai cũng biết và có nhiều kinh nghiệm.





Có nên sử dụng các loại thìa thông thường trong sinh hoạt hàng ngày để đo lượng thuốc uống không?
Tốt nhất là không vì loại thìa gia đình sử dụng hàng ngày không đúng với kích cỡ tiêu chuẩn mà mỗi loại thuốc (dạng si rô như thuốc ho, thuốc giảm sốt…) bé cần phải uống. Vì thế, bạn nên sử dụng đúng chiếc thìa đi kèm trong mỗi chai thuốc hoặc loại mà bác sĩ đã đồng ý cho bạn sử dụng.
Trường hợp bé không thích uống thuốc, có thể trộn lẫn thuốc vào trong sữa, nước hoa quả… cho bé uống cùng không?
Nhiều loại thuốc không thể trộn lẫn được với các chất lỏng và các loại đồ ăn khác vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu buộc phải hòa tan thuốc vào nước trái cây, sữa… nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống. Tốt nhất, hãy thử cho bé tự uống thuốc “nguyên bản” trước đã. Nếu bé không chịu uống, bạn mới cần hòa thêm một ít sữa, nước lọc, nước hoa quả… (nhớ chỉ một ít) để bé uống chung với thuốc. Tuy nhiên, cách này không được khuyến khích.

Việc uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn có thực sự cần thiết không hay uống bất cứ lúc nào cũng được?

Một số loại thuốc có thể gây đau dạ dày nên bạn cần cho bé ăn trước khi uống thuốc để tránh trường hợp này xảy ra. Với những loại thuốc khác, thức ăn lại có thể làm giảm tác dụng của thuốc đối với bệnh nên cần phải được uống trước khi ăn ít nhất là nửa giờ. Vì thế tùy vào mỗi loại thuốc, chúng ta nên đọc kỹ hướng dẫn và hỏi ý kiến bác sĩ.
Nếu bé đang uống thuốc bổ, có nhất thiết phải ngưng dùng khi cần phải uống thuốc điều trị?
Điều đó còn phụ thuộc vào loại thuốc điều trị và thuốc bổ bé đang sử dụng. Bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để biết xem liệu những loại thuốc ấy có dùng cùng lúc được với nhau hay không. Nếu không được, nên cho bé tạm thời ngừng uống thuốc bổ để uống thuốc điều trị trước đã.
Các loại thuốc Bắc có thể được uống cùng thời điểm với các loại thuốc Tây y được không?
Câu trả lời là hoàn toàn “không” bởi một số loại thuốc bắc sẽ không phát huy hết khả năng nếu bị kết hợp với các loại thuốc tây trong cùng một thời gian. Ngoài ra, thuốc bắc và thuốc tây có thể cùng phản ứng với nhau và gây ra sự phản tác dụng trên cơ thể người bệnh.
Có nên đánh thức bé dậy để uống thuốc đúng giờ hay để bé ngủ và đợi tới khi bé tự thức giấc?
Điều này cũng phụ thuộc vào loại thuốc bé uống và cả thời gian bé ngủ nữa. Nếu bạn cảm thấy con ngủ đủ rồi thì việc đánh thức bé vào đúng giờ uống thuốc là có thể được. Nhưng nếu bé vừa mới ngủ thì hãy cho bé ngủ thêm chút nữa vì thiếu ngủ sẽ khiến bé bực mình, cáu gắt và không muốn uống thuốc. Trường hợp buộc phải tuân theo giờ giấc uống thuốc nghiêm ngặt, bạn vẫn phải cho bé thức dậy để uống thuốc đúng giờ.

Làm thế nào nếu chẳng may quên cho bé uống thuốc? Có thể bù lại lượng thuốc vào lần uống sau không?

Hãy cho bé uống thuốc ngay sau khi bạn nhớ ra là mình đã quên. Trường hợp lúc nhớ ra thì đã đến giờ uống kế tiếp, bạn có thể bỏ qua cữ thuốc trước.
Làm thế nào để tự nhỏ mắt, mũi cho bé?
Để bé mở mắt cho bạn nhỏ thuốc, hãy “đánh lạc hướng” bằng những món đồ chơi để bé tập trung vào đó. Bạn có thể đợi lúc bé đi ngủ để nhỏ mũi cho con. Giữ lọ thuốc nhỏ mắt, mũi ở nhiệt độ vừa phải, tránh cất trong tủ lạnh vì nhiệt độ lạnh sẽ khiến bé thấy khó chịu với thuốc. Trước khi nhỏ, cần xoa lọ thuốc trong lòng bàn tay một vài phút để lọ thuốc ấm hơn.
Nếu liều thuốc cần uống là ba lần một ngày, điều đó có nghĩa là cứ mỗi 8 giờ hoặc vào các giờ ăn chính, cần phải cho bé uống thuốc?
Thông thường, mỗi cữ thuốc được uống cách nhau từ 6 đến 8 tiếng, trùng hợp luôn đúng vào ba bữa ăn chính. Tất nhiên, bạn cũng có nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu loại thuốc bạn đang sử dụng cần phải được uống vào một giờ giấc chính xác, cụ thể.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn