Từ sau 2 tuổi, trẻ thường có biểu hiện chống đối do muốn tự mình làm lấy một việc nào đó mà mình cảm thấy thích thú.





Ví dụ, trẻ thích tự xúc ăn nhưng bố mẹ sợ con chưa làm được sẽ rơi vãi thức ăn nên không cho trẻ tự xúc. Khi đó, trẻ có thể bực tức giằng lấy thức ăn, la hét hoặc có thể còn ném bát, thìa đi. Vậy là xảy ra “xung đột”. Bố mẹ khi đó sẽ mắng con, có thể bắt phạt con ngồi một chỗ, có khi còn dùng tay phát vào mông trẻ... Lần sau đến bữa ăn, trẻ lại phá quấy hoặc chống đối không chịu ăn do cảm thấy không được làm theo ý muốn. Như vậy, do người lớn áp đặt suy nghĩ của mình và bắt trẻ làm theo nhưng trẻ lại không thích thế nên đã xảy ra tình trạng trẻ bướng bỉnh, chống đối.

Lứa tuổi trẻ thơ mới chập chững vào đời, thế giới xung quanh cái gì cũng mới lạ và hấp dẫn, gây cho trẻ sự hứng thú, tò mò muốn khám phá. Thông qua những hoạt động, thao tác có sự phối hợp với các giác quan, trẻ tìm hiểu và học hỏi từ những hoạt động trực tiếp với đồ chơi, đồ vật. Từ những thao tác hành động và cảm giác, sẽ hình thành cho trẻ những biểu tượng trong trí óc. Qua đó, phát triển nhận thức, tạo nên sự khéo léo, nhanh nhẹn và học cách sống để thích nghi dần với môi trường. Sự bướng bỉnh, chống đối ở tuổi lên hai, lên ba chính là sự hình thành “cái tôi”, trẻ muốn khẳng định bản thân mình. Tư duy ở trẻ nhỏ là duy kỷ vì lấy mình làm trung tâm và nhìn cuộc sống xung quanh theo chủ quan của mình. Đây là một bước phát triển tâm lý bình thường ở trẻ nhỏ.
Giữa trẻ và bố mẹ có một khoảng cách về mong muốn. Trẻ muốn được chơi, được làm theo ý mình, còn bố mẹ lại sợ con vụng về, không an toàn, gây hỏng hóc, đổ vỡ các thứ nên muốn làm thay trẻ cho nhanh và hiệu quả. Vậy là trẻ chống đối lại sự áp đặt của bố mẹ do trẻ muốn làm theo ý mình. Nếu được gia đình quá chiều chuộng, trẻ sẽ coi mình là nhất, muốn đòi gì được nấy, nếu không được như ý thì la hét, ăn vạ, chống đối, hung hăng... Ngược lại, một số bố mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con vì quá nghiêm khắc cũng làm trẻ phản ứng lại và chống đối thường xuyên. Bố mẹ bảo làm thế này thì trẻ lại làm thế kia, không chấp hành các “qui định” của gia đình, chống đối không chịu đi học, người lớn sai việc không chịu làm...Trong những trường hợp này, đó không còn là hiện tượng tâm lý bình thường nữa mà trẻ đã bị mắc phải chứng rối loạn bướng bỉnh, chống đối.

Để giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn, biết tự giác thực hiện những điều cần thiết trong sinh hoạt, học tập, bố mẹ cần phải hiểu nhu cầu của trẻ, có kiến thức về phát triển tâm lý lứa tuổi để có cách giải quyết phù hợp. Khi trẻ bướng bỉnh, bố mẹ nên bình tĩnh, không vội quát mắng nặng lời, nên tạm lờ đi cho con qua cơn nóng giận. Khi trẻ đã bình tĩnh, mới nên hỏi lý do vì sao trẻ chống đối, tìm hiểu nguyên nhân khách quan khác, dùng lời lẽ nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu đã sai ở chỗ nào và nên làm thế nào cho đúng. Nếu trẻ làm việc gì sai trái nguy hiểm, cần đưa ra qui định nghiêm khắc để lần sau không được lặp lại. Nên nói cho trẻ biết bố mẹ mong đợi con làm những gì để trẻ hiểu, chấp nhận và có định hướng thực hiện.
Trẻ có nhu cầu được tôn trọng, được yêu thương và học hỏi, do vậy, cha mẹ hãy luôn gần gũi để thể hiện tình cảm yêu thương như dành thời gian chuyện trò với con, hỏi han con về những hoạt động ở trường, chơi cùng trẻ, hướng dẫn cách dùng đồ chơi, cách sử dụng những vật dụng trong nhà, hướng dẫn tự phục vụ sinh hoạt cá nhân... Thường xuyên khen, động viên khi trẻ làm việc tốt, biết quan tâm đến người khác. Dạy trẻ cách xưng hô, ứng xử xã hội thông thường...Tạo điều kiện cho trẻ vui chơi phù hợp để tạo sự hứng thú và thoải mái. Khi được vui chơi, trẻ có điều kiện tìm hiểu khám phá môi trường xung quanh, phát triển khả năng quan sát, phát triển tư duy, cơ thể khỏe mạnh, chân tay nhanh nhẹn, khéo léo.
Bố mẹ và gia đình nên thống nhất cách dạy con trẻ. Không khí đầm ấm, sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình là môi trường tốt nhất để giúp trẻ giảm đi tính bướng bỉnh, chống đối của mình.
Th.S Quách Thúy Minh (BV Nhi TƯ)



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn