Các quý ông thường quan niệm, chăm con là việc của mẹ và họ chỉ là người thỉnh thoảng “phụ hoạ” lấy lệ mà thôi. Chính vì vậy nên nhiều ông bố đã tạo ra những chuyện dở khóc, dở cười khi chăm con…





Ăn thay con…
Thu Hiền bận nấu cơm chiều nên giao nhiệm vụ với chồng cho con ăn trước. Quang Hào hứng khởi nhận nhiệm vụ: “Cho con ăn chứ gì, chuyện nhỏ!”. Nói vậy rồi anh lấy bát cơm cùng thức ăn Hiền đã chuẩn bị sẵn đưa con lên phòng khách vừa xem phim vừa cho bé ăn. Bàn giao cho chồng nhưng Hiền không yên tâm vì con rất lười ăn, phải kéo léo nó mới ăn hết bát cơm. Nấu cơm xong lên xem “bố nó” xử lý cho con ăn thế nào. Đúng lúc bắt được quả tang bố đang xúc thìa cơm to cho vào miệng nhai nghiến ngấu. Hiền nổi đóa: “Sao anh lại ăn của con…?”. Giật mình quay lại, Hào vẫn hồn nhiên: “Con ăn hết hơn nửa rồi, anh dỗ mãi không ăn nên đành ăn cho hết không bị em la… Rồi anh đưa vội bát cho vợ cất, bế ngay con chuồn… một mạch.

“Thương lượng” với con
Đến giờ chương trình truyền hình mà cả bố Hải và cu Bin đều thích xem. Nhưng nếu con thích xem phim hoạt hình siêu nhân thì bố lại muốn xem bóng đá. Hôm nay có trận “cầu đinh” khá hay không thể không xem. Bố Hải liến nghĩ ra cách… “thương lượng” với con rất thú vị mà không bị làm phiền khi xem là: Mang latop cho con chơi game! Thế là bố dưới ghế, con trên dường, chẳng ai nói với ai vì cả hai đều đăm chiêu và bị cuốn hút với sở thích của mỗi người. Khi vợ Hải về thấy con đã lăn ra ngủ bên máy tính, hỏi chồng đã cho con uống sữa chưa thì anh ấy nói đã cho rồi. Nhưng vào tới nơi, vẫn thấy nguyên “hiện trường” là bình sữa pha sẵn để khi cho con ăn, chỉ cần làm nóng lại là được. Lúc đó, Hải cũng chạy vào thanh minh: “Tại lúc anh bận xem bóng đá thì con chơi game. Xem xong, anh thấy con lăn ra ngủ nên không đánh thức dậy. Em yên tâm vì nếu đói, con đã không ngủ ngon vậy đâu… Nó ngủ càng nhiều anh càng thích bởi đỡ bị cu Bin léo nhéo bên cạnh bắt bố phải đọc chuyện, đoán chữ…”

Ông bố ham chơi
Câu chuyện của mẹ bé Tôm dưới đây cũng khiến các bà mẹ “đau đầu” với những ông bố ham vui. Cả nhà bé Tôm đi vắng hết chỉ có 2 bố con ở nhà. Đúng lúc nhà bên đang thiếu một chân chơi tá lả nên điện thoại sang nhà mời Bố Tôm qua chơi cho “vui một lát”. Lúc đầu, thấy Tôm đang thức nên bố từ chối không đi. Khi con đã ngủ ngon, bố Tôm nghĩ để con ở nhà ngủ đi chơi một tý cũng chẳng sao, với lại, ngay bên hàng xóm có xa đâu mà lo. Thế là bố Tôm đặt con vào võng rồi dùng dây buộc hai bên mép võng vào nhau để nếu bé có lật hay cựa quậy cũng không rơi xuống đất. Ông bà đi chơi về, thấy cháu đang khóc khàn cổ trong chiếc võng. Giận con, bà bế cháu đi giấu còn ông chạy sang nhà hàng xóm gọi con trai. Không thấy con đâu, bố Tôm chạy khắp nhà, từ phòng ngủ, phòng tắm, bể nước để tìm. Sợ quá, vừa tìm con anh vừa lẩm bẩm “đã buộc chặt vào võng thế rồi mà đi đâu được…” mà không nhớ là con mình mới 6 tháng tuổi thì làm sao có thể đi được. Hôm đó, bố Tôm được bài học “hú vía” nên từ đấy, không dám ham vui kiểu đó nữa.
Bỏ mặc con “ị”
Khi được hỏi về chủ đề chăm sóc con của các ông bố thì chị Thanh Hoa đã nhanh chóng kể hoàng loạt “tội” của chồng. Nhưng thú vị nhất vẫn là chuyện khi con… ị. Chị Hoa cho biết, bố cháu đi làm cả tuần, ngày chủ nhật mới có thời gian bên con nên tôi nhờ chồng trông bé để dọn nhà và yên tâm tạo không gian riêng cho hai bố con. Dọn dẹp được khoảng 30 phút, tôi nghe thấy tiếng con khóc to mà không thấy tiếng bố đâu. Chạy xuống mới thấy con lem luốc quần áo, mùi phân mới ị bốc cả lên mặt. Bực mình tôi quát: “Anh đi đâu mà để con thế này?”. Trong nhà tắm, tiếng chồng tôi vọng ra: “Em ơi con ị lên người anh bẩn quá. Anh đang tắm cho hết mùi. Em thay quần áo cho con đi. Lần sau, nếu bảo anh chơi với con thì em đóng bỉm cho con nhé. Anh sợ như hôm nay nữa thì… chết”. Trời! con ị mà bỏ mặc. Giận lắm nhưng khi thấy anh trong nhà tắm đi ra lại cười nói với con, rồi tự nhận mình “vụng về” nên chị Hoa đành “ngậm bồ hòn”… bỏ qua.

Mẹ nó ơi…
Nói về những chuyện dở khóc cười khi chăm sóc con của các ông bố. Thuý – bà mẹ hai con hào hứng kể: Bố bọn trẻ nhà này á, cứ mỗi lần con đánh nhau lại mẹ nó ơi, con đánh nhau kìa, hoặc con làm bẩn nhà cũng mẹ nó ơi. Con hư thì bảo thế này chứ: mẹ nó đánh con đi. Vừa buồn cười vừa tức. Cái gì cũng mẹ nó, bố nhờn nên con không nghe lời cũng tại mẹ nó. Cho con uống thuốc, bố làm đủ trò múa nhảy, đọc chuyện, hứa mua đồ chơi nhưng cuối cùng con vẫn không chịu uống. Bố nghiêm mặt quát to, con khóc to hơn bố vội ôm con vào lòng nói: thôi không phải uống thuốc nữa, không khóc sẽ hết bệnh…và cuối cùng lại đến tay mẹ nó. Nếu vợ có hỏi: "Sao anh không chịu chơi với con?" anh hồn nhiên đáp: "Con nó chỉ thích chơi với mẹ nó, có thích chơi với anh đâu! Nó ghét anh hay sao ấy, toàn khóc thôi!".
Tạm kết
Có thể, sẽ còn không ít những “tội” nữa của các ông bố khi chăm sóc con mà người viết chưa tìm hiểu hết để kể ra đây. Đành rằng, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái được coi là thiên chức của người phụ nữ, song vai trò "người thầy, người dẫn đường" của các ông bố đối với việc phát triển nhân cách toàn diện và sự trưởng thành của con cái cũng vô cùng quan trọng. Người cha phải biết cách đánh thức, khơi dậy những cảm xúc tốt đẹp để con cái cảm nhận được tình thương yêu. Nếu họ sống quá khô khan, xa lánh trẻ… sẽ tạo ra hố sâu ngăn cách vô hình và bất lợi, tạo thành những suy nghĩ cực đoan, tự ti ở trẻ. Và, lời khuyên cuối cùng dành cho các ông bố đó chính là sự học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Không người đàn ông nào là hoàn hảo và đương nhiên, cũng không có bất kỳ một ông bố nào đúng hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ tìm thấy cách giải quyết cho những gì mình đang suy nghĩ và thực hiện trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái hay cuộc sống hạnh phúc của gia đình mình ở chính những người bạn hay những người hàng xóm quanh ta.
Bảo Khang (bau.vn)





Nguồn SKĐS




Theo bau.vn