Các bà mẹ Nhật rất kỹ lưỡng trong việc chọn đồ chơi cho con. Họ luôn có nhiều bí quyết hay để vừa tìm được món đồ mà trẻ thích, đem lại hiệu quả thiết thực khi nuôi dạy con, vừa tiết kiệm được chi phí mua sắm






1. Đặt ra tiêu chí

Khi mua đồ chơi trẻ em, các mẹ Nhật tuân thủ 3 tiêu chí quan trọng:


- Đồ chơi có thể tạo ra sự gắn kết và tương tác: bé có thể chơi cùng người khác, cha mẹ có thể giao tiếp, trò chuyện với trẻ thông qua đồ chơi ấy.


- Đồ chơi giúp trẻ tập trung: nó khiến trẻ chăm chú khi chơi, hoặc biến hóa khi trẻ chơi hoặc tác động vào.


- Nếu có thể thì đồ chơi handmade là một lựa chọn tốt vì nó có ý nghĩa đặc biết đối với trẻ như: cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, lưu lại những kỉ niệm ấu thơ cho trẻ…




Món đồ chơi tốt là đồ chơi có thể sử dụng trong nhiều trò chơi khác nhau

2. Số lượng đồ chơi


Có cần thiết phải chất đầy ngập căn phòng của trẻ với các món đồ chơi nhồi bông, đồ chơi phát triển trí tuệ, các thẻ flash card, đất nặn, bút chì tô màu, các loại đàn từ organ tới piano…? Thực ra, ngoài việc kích thích ham muốn khám phá và nuôi dưỡng trí tuệ thì mặt trái của việc có quá nhiều đồ chơi là trẻ nhanh chán và không chịu tập trung lâu vào một trò nào cả. Ngay cả bố mẹ cũng trở nên bối rối vì không biết phải sắp xếp như thế nào và làm sao để trẻ chơi thật hiệu quả.


Kỳ thực, chỉ cần 1-2 món yêu thích giúp bé tập trung cao độ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với số lượng hàng chục món khác nhau. Nếu bố mẹ vẫn muốn mua nhiều đồ chơi nhưng phát huy hiệu quả thì cách tốt nhất là mỗi ngày chỉ lấy ra một số lượng nhất định, làm sao để chỉ mất khoảng 2 phút là có thể dọn dẹp hết toàn bộ. Tiếp đến là lên lịch chơi trong tuần để sử dụng tất cả các đồ chơi.



3. Cách sử dụng linh động


Mục đích quan trọng nhất của đồ chơi chính là dùng nó như một công cụ để cha mẹ và con cái trò chuyện hay tương tác với nhau. Đôi khi, một trò
chơi diễn ra trong yên lặng để trẻ có thể tập trung. Một đồ chơi có thể được dùng để chơi nhiều trò khác nhau.


Nếu con đã được 3 tuổi, bố mẹ nên để bé tự chơi và thỉnh thoảng mới tham gia vào các trò chơi của con khi bé muốn.



4. Đồ chơi phải hợp lứa tuổi


Cứ khoảng 3 tháng bé lại có những bước tiến khác nhau và ứng với điều này, bố mẹ nên chọn đồ chơi cho phù hợp.


Ví dụ, ở giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi thì nuôi dưỡng ngũ quan: nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm chính là điều quan trọng nhất. Mẹ có biết trò chơi tuyệt vời nhất, hoàn hảo nhất lúc này là gì không? Đó chính là giọng nói của mẹ, nụ cười của mẹ, khuôn mặt mẹ lúc làm xấu, pha trò cho con, hay cùng con chơi hú hà, làm cần cẩu, làm máy bay cho con…


Giai đoạn 6 tháng đầu tiên vì thính giác và thị giác của trẻ rất phát triển, nên mẹ còn có thể cho con chơi những món đồ phát ra âm thanh. Đồng thời lớn hơn một chút trẻ rất thích nhìn những đồ vật chuyển động nên hãy cho bé nhìn quả bóng vừa lăn vừa phát ra tiếng kêu.


Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể hơn về các đồ chơi cho trẻ ứng với từng lứa tuổi:


5 tháng tuổi: để luyện ngón tay cho bé mình cho bé nhặt nắp chai nhựa, tập bóc miếng dán sticker…


6-12 tháng: làm hộp đồ bí mật để bé tập cho tay vào lôi đồ ra. Bé có thể tập gõ trống bằng trống đồ chơi, hộp sữa cũ hay bất kỳ món gì có thể phát ra âm thanh.


12-18 tháng có thể: tập đi trên vạch thẳng, chơi với kẹp quần áo và hình mặt cười làm thành hình con sư tử, chơi với hộp có dây rút, tập pha màu nước, chuyển đồ từ thùng này sang thùng khác.


18-24 tháng: thổi bong bóng xà phòng, câu cá, ném vòng vào cột, xâu hạt qua dây, tập làm ca sĩ, tập nấu ăn với các đạo cụ làm từ bìa xốp, vẽ theo nét vẽ có sẵn trên giấy…


2- 3 tuổi: chơi mô hình tàu điện, ghép hình, xếp hình, nặn đất sét, vẽ tranh…



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn