Dù còn rất nhỏ, bé đã biết khẳng định chính kiến của mình, thích tự chọn món và thích khám phá những điều mới mẻ. Chính vì vậy, người mẹ cần quan sát, lắng nghe và thấu hiểu trẻ để cùng con có những giờ ăn đầy hào hứng. Ngược lại, sự ép buộc chỉ khiến mẹ thêm vất vả mà bé lại sớm mắc chứng "sợ" ăn






Điều trước tiên mà mẹ cần nhớ là bé đang trong thời gian hình thành tính cách, cá tính và sự lựa chọn. Vì thế, việc cho bé ăn những thức ăn ngon miệng có trang trí đẹp mắt sẽ tạo thêm hứng khởi tham gia vào bữa ăn hơn là những món ăn chỉ chú trọng vào khía cạnh dinh dưỡng đơn thuần.




Ngay từ bước khởi đầu là ăn dặm, mẹ đã có thể thấy bé đưa ra những lựa chọn của riêng mình

Đúng giờ, đúng giờ và đúng giờ
Ăn ngon không chỉ là một cảm xúc, đó còn là một thói quen nữa. Vì thế các bữa ăn chính và phụ trong ngày phải đúng giờ. Không nên cho bé ăn ngay trước khi đi ngủ vì thức ăn khó tiêu sẽ làm bé đầy bụng và khó chịu.
Trong ngày, ngoài 3 bữa ăn chính, bạn có thể cho bé ăn thêm 2 hoặc 3 bữa phụ. Ví dụ như các loại bánh làm từ bột gạo hay vài lát trái cây tươi hay trái cây sấy khô mềm, vài lát bánh sandwich, một ít sữa chua, một miếng phô-mai, bánh bích quy không đường, bánh quy giòn hoặc bánh mì que.
Gần đến giờ ăn, không nên cho bé uống quá nhiều nước trái cây vì sẽ làm bé no và không muốn ăn. Thay vào đó mẹ có thể cho bé uống nước lọc và tập cho bé bỏ dần thói quen lúc nào cũng mang chai nước bên mình để uống liên tục không ngừng.
Hãy để bé quyết định bé ăn bao nhiêu là vừa đủ, bé biết khi nào mình đói và khi nào đã ăn đủ.
Bữa ăn cũng cần phải đẹp
Mẹ có thể cắt bánh sandwich thành hình ngôi sao, hình các con thú hay hình trái tim… Nếu bé thích ăn mì ống, bạn có thể trang trí thành hình con ốc, hay hình các chữ cái, điều này sẽ làm bé thích thú hơn khi ăn.
Súp-lơ và bông cải trông giống hình thù như những cái cây, nên mẹ có thể tạo ra “khu vườn vui nhộn’’. Mẹ cũng có thể khoét những lỗ nhỏ trên bánh mì, sau đó bỏ một ít trứng luộc vào lỗ, giả vờ như trứng đang “trốn’’ trong hang!
Trang trí thức ăn trên đĩa thành hình khuôn mặt cười, sử dụng những thức ăn khác nhau để tạo những nét mặt khác nhau hay bạn cũng có thể tạo ra những trò chơi của riêng bạn để thưởng cho bé mỗi khi bé ăn được một muỗng (thìa). Bạn cũng có thể thử tạo ra một cuộc píc-níc trong nhà với tấm bạt trải trên sàn nhà cùng thức ăn được trải đều ra.
Đừng quá lo lắng về sự bừa bộn và lấm lem của bé, bé có thể ăn nhiều hơn nếu để bé tự xúc, vì thế bạn hãy xem như là bé đang chơi trong khi ăn.
Hãy để bé cùng tham gia chuẩn bị món ăn
Em bé thường thấy hứng thú hơn nếu được tham gia vào việc đi chợ, nấu nướng hay chọn thực phẩm mà bé thích ăn. Khi đi mua thức ăn, hãy hỏi bé xem cà rốt ở đâu, cà chua ở đâu để bé chỉ chỗ cho bạn lấy và hãy nhớ khen ngợi bé khi bé chỉ đúng. Bạn cũng đừng quên nhắc bé rằng món bé đang ăn được nấu từ những thứ bé đã tự chọn mua ở siêu thị.
Bé còn quá nhỏ để có thể tham gia vào việc phụ bếp, nhưng bé có thể ngồi xem bạn nấu, quan sát và lắng nghe bạn khi bạn gọt vỏ, cắt nhỏ nguyên liệu để chuẩn bị nấu ăn.
Hãy hỏi bé xem bé thích ăn loại rau nào, thích uống thức uống gì và bé sẽ rất thích thú khi được tham gia vào quá trình chuẩn bị món ăn.

Hãy tôn trọng bé như một người lớn
Như đã nói ở phần mở đầu, bé tuy còn nhỏ nhưng đã có khẩu vị riêng với món ăn yêu thích riêng của mình. 

Hãy chắc rằng món ăn được tạo ra theo cách mà bé thích. Mẹ cũng đừng đi quá đà trong việc sáng tạo ra những món ăn mới. Bé luôn cần có thời gian để làm quen với hương vị mới. Mẹ thử sắm cho bé bộ đồ ăn mà bé yêu thích như đĩa, muỗng (thìa), ly (cốc)… Cách này sẽ khiến bé thích thú và chịu ngồi xuống dùng bữa nhiều hơn đấy!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn