Sự hiểu biết và khả năng suy nghĩ của trẻ bắt nguồn từ các khái niệm cơ bản như màu sắc, hình dạng, kích thước... Chính vì vậy, ngay từ tuổi lên 2, lên 3 bé đã cần được làm quen với các khái niệm này






Khi bé nhận biết được các khái niệm cơ bản và nâng cao khả năng nhận thức của mình, con sẽ nhanh chóng vượt qua các trở ngại khi phải đối mặt với những điều mình chưa biết. Những khái niệm này có thể được truyền đạt thông qua việc nói chuyện hàng ngày, qua các trò chơi.
1/ Màu sắc
Tối thiểu, bé cần được biết 3 màu xanh, đỏ và vàng. Đây là 3 màu cơ bản mà từ đó tạo nên hầu hết các màu sắc khác. Sau khi bé đã nhận biết tốt 3 màu này, hãy mở rộng ra các màu sắc khác: trắng, đen, cam, nâu…
Cách dạy bé hữu hiệu nhất là đưa con ra ngoài thiên nhiên để nhìn ngắm bầu trời xanh, hoa nở đỏ, chú gà con vàng ươm…
Khi bé đã lớn hơn một chút, khoảng tuổi lên 4, lên 5, bạn có thể chỉ cho con cách pha màu. Hãy khuyến khích trẻ tự tạo ra những màu sắc của riêng mình và gọi tên chúng. Qua đó, bé sẽ được truyền cho niềm yêu thích vẽ tranh.



Nhận biết màu sắc tốt đem lại cảm quan mỹ thuật cho bé
2/ Hình dạng
Ba mẹ cần chỉ cho bé nhiều hình dạng khác nhau của sự vật trong cuộc sống, ví dụ ông mặt trời hình tròn, cửa sổ hình vuông… Những trò chơi hữu ích để giúp bé nhớ hình dạng là trò vẽ tranh, nặn đất sét, xếp hình… Hãy khuyến khích trẻ sáng tạo ra các hình dáng khác nhau bất cứ khi nào có thời gian rảnh.
3/ To – nhỏ
Khái niệm này khá dễ hiểu đối với trẻ nhỏ. Bạn có thể chỉ cho bé bố to/con nhỏ, voi to/ kiến nhỏ, tô to/ chén nhỏ. Khoảng 2 tuổi rưỡi là độ tuổi thích hợp để dạy bé khái niệm này.
4/ Số lượng
Nhận biết số lượng là cách tuyệt vời để nuôi dưỡng tài năng toán học của bé. Bạn có thể dạy con bằng cách đếm ngón tay, đếm số bát đũa trên mâm cơm, đếm số bút chì trong 1 hộp… Việc dạy cho bé biết đếm số lượng diễn ra không dễ dàng nên bố mẹ cần kiên nhẫn thực hiện mỗi ngày.

5/ Nhiều – ít
Khác với số lượng, khái niệm nhiều – ít khá trừu tượng và bé sẽ khó để nắm bắt thế nào là ít hơn 1 nửa, nhiều gấp rưỡi… Nếu có chú ý đến việc truyền đạt các khái niệm này, dần dần bé sẽ nắm bắt được một cách hết sức tự nhiên. Bạn có thể cho con vào cửa hàng bách hóa hoặc siêu thị để hiểu khái niệm nhiều – ít này nhanh chóng. Thế nào là 1 lít nước, thế nào là 200g phô mai…
6/ Không gian
Hiểu về không gian, bé sẽ nắm được hàng loạt khái niệm có liên quan như trên/dưới, trái/phải, trước/sau, trong/ngoài, xa/gần… Bạn cần những ví dụ cụ thể như “tay cầm muỗng của con là tay phải”, “tay đeo vòng của con là tay trái”…
7/ So sánh
Là cách trẻ hiểu về sự khác nhau giữa các vật. Lúc này, các cặp từ trái nghĩa sẽ là công cụ tuyệt vời để trẻ học cách phân biệt sự vật: Trong>< ngoài, dài><ngắn, cao><ốm, xa><gần…

8/ Thứ tự
Không chỉ dạy con thứ nhất, thứ hai, thứ ba… mà bạn còn cần truyền đạt cho bé thế nào là thứ hai từ phải sang, thứ ba từ trái sang, thứ tư từ trên xuống, thứ sáu của hàng thứ 8…
9/ Thời gian
Nhận thức tốt về thời gian không chỉ đóng góp cho sự phát triển tư duy toán học và giúp bé biết quý trọng thì giờ. Bé có thể được học cách xem giờ với cả đồng hồ kim và đồng hồ số, xem lịch để biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy, năm bao nhiêu.
10/ Tiền bạc
Đây là bài học khởi đầu về tài chính dành cho bé. Bạn có thể đưa con đi siêu thị, đi xe bus.. để nhìn thấy và chạm vào tiền, hiểu được bao nhiêu tiền thì mua được gì. Trò chơi bán hàng cũng là gợi ý hay để nhận biết giá trị của tiền.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn