Có khá nhiều quan điểm khác nhau về cách cho bé làm quen với Phô mai nhưng không phải quan điểm nào cũng đúng.






Phô mai là chế phẩm của sữa, có thành phần dinh dưỡng nhiều chất đạm, chất béo, đặc biệt giàu canxi, hàm lượng có thể cao gấp 6 lần trong sữa nên có thể phù hợp đối với những bé không uống được nhiều sữa. Bên cạnh đó, phô mai không chứa đường nên thuận lợi cho những bé không uống được sữa bò do bất dung nạp với đường lactose. Tuy nhiên, bạn chỉ cho bé ăn bổ sung chứ không nên dùng thay thế sữa hoàn toàn vì hàm lượng vitamin và khoáng chất cần thiết trong phô mai không đầy đủ.
Cách cho ăn pho mai phụ thuộc vào lứa tuổi. Với trẻ lớn bạn có thể cho bé ăn trực tiếp, nếu trẻ còn bé, bạn có thể trộn phô mai vào cháo, bột cho bé. Tuy nhiên, mỗi bát bột hay cháo đều có công thức theo lứa tuổi, nếu cho thêm phô mai vào nhiều ngoài việc tăng canxi ra, bát cháo đó đã tăng thêm năng lượng và chất dinh dưỡng, sẽ làm bé khó hấp thu được hết. Do đó khi dùng với bột, cháo, bạn có thể giảm một chút thịt, cá, dầu, mỡ để khẩu phần của bé được cân đối hơn.
Thường một ngày bạn chỉ nên bổ sung phô mai vào một bữa cho bé. Lúc đầu bạn nên cho bé ăn ít một xem bé có chịu được không (vì nhiều bé không ăn được phô mai). Nếu thấy bé có biểu hiện bất thường, bạn nên dừng lại. Mặt khác, bạn có thể bổ sung vào bữa sáng hoặc trưa, hạn chế cho ăn vào buổi tối vì một số bé bị đầy bụng sẽ khó ngủ.
Đối với trẻ lớn có thể cho vào các món như khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm… Không nên nấu chung phô mai với cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.
Chú ý khi cho phô mai:
- Chỉ ăn Phô mai không sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Vì thế, nên cho con ăn Phô mai như một bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm khác như: phết vào bánh mì, trộn vào bột, cháo… để vừa bổ sung thêm năng lượng, vừa có các vitamin, chất khoáng từ nguồn thực phẩm khác trong bát cháo.

- Ăn Phô mai thường khiến bé đầy bụng nên các mẹ hạn chế việc cho bé ăn lúc trước khi đi ngủ.

- Khi mẹ mới tập cho bé ăn Phô mai, nên tập cho bé ăn lúc bé đói, sẽ dễ dàng hơn.

- Giúp bé 'mê' Phô mai hơn, nếu cho Phô mai vào bột/cháo của bé hàng ngày, mẹ hãy chọn những thực phẩm phù hợp như: khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên cho Phô mai nấu chung với thực phẩm như: cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.

- Lượng đạm trong Phô mai rất cao. Nếu nấu Phô mai chung với thịt, cá, trứng, mẹ cần điều chỉnh lượng phù hợp tùy với thể trạng từng bé (tránh trường hợp bị nhiều đạm, thừa đạm). Lúc nào bé không chịu ăn thịt, cá, mẹ chỉ cần cho bé ăn 2 viên Phô mai là đủ chất.

- Phômai có thể được dự trữ trong ngăn mát của tủ lạnh. Không nên dùng túi nilon để bọc những viên phômai đang ăn dở vì chất béo trong phômai có thể dính vào những hóa chất độc hại có trong túi nilon.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn