Ăn dặm là một trong những giai đoạn quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khi nào nên cho trẻ ăn dặm, và ăn dặm như thế nào để bé phát triển tốt nhất? Tham khảo thông tin sau đây để tìm câu trả lời cho mình, mẹ nhé!






1/ Khi nào cho bé ăn dặm?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm thích hợp để tập cho bé ăn dặm là khoảng từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6. Tuy nhiên, đó là điều kiện lý tưởng. Thực tế, mỗi bé sẽ có sự phát triển khác nhau, và thói quen ăn uống của bé cũng sẽ không theo một chuẩn nhất định. Có bé sẽ ăn dặm rất sớm, ngược lại, có bé bắt đầu ăn khá trễ. Chính vì vậy, thay vì quá chú trọng thời điểm, mẹ nên chú ý những biểu hiện của con để canh chuẩn thời điểm bé cần ăn dặm.
- Bé có vẻ nhanh đói hơn bình thường.
- Thường xuyên khóc đêm và thức giấc nửa đêm đòi ăn
- Bé có vẻ “thèm thuồng” mỗi khi nhìn ba mẹ ăn
- Bé có khả năng kiểm soát tốt đầu và cổ

2/ Cho trẻ ăn dặm đúng cách: Ăn sớm có gây hại?
Tùy sự phát triển của từng bé, mẹ có thể cho con ăn dặm sớm hoặc muộn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ không nên cho bé ăn dặm trước khi bé được17 tuần tuổi. Đặc biệt, đối với những bé sinh non, mẹ nên bắt đầu cho ăn dặm trễ hơn.
Để tiêu hóa tinh bột có trong thức ăn dặm, bé cần men amylasa. Tuy nhiên, hàm lượng men amylasa có trong nước bọt và tuyến tụy của những bé 3 tháng tuổi rất ít, chỉ bằng 1/10 so với người lớn. Vì vậy, trẻ rất khó hấp thụ và tiêu hóa dưỡng chất từ thức ăn dặm, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ như tiêu chảy, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa…




Ăn dặm không đúng cách có thể “đẩy” con vào vòng nguy hiểm

Thậm chí, đối với những bé có cơ địa nhạy cảm, ăn dặm sớm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ em. Nghiên cứu tiến hành trên những trẻ từ lúc mới sinh cho đến 3 tuổi cho thấy, trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu mới bắt đầu ăn dặm có tỷ lệ bị eczema thấp hơn so với những bé bắt đầu ăn dặm sớm.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu cho thấy, cho bé ăn thực phẩm bổ sung như bột ngũ cốc, rau quả từ sớm có thể làm ảnh hưởng khả năng hấp thụ sắt từ sữa mẹ, dẫn đến nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

3/ Lưu ý khi cho bé ăn dặm
- Mẹ nên bắt đầu với thức ăn loãng, sau đó mới chuyển từ từ sang rắn
- Không nên ép bé ăn quá nhiều, nên ngưng ngay khi bé có dấu hiệu không “hợp tác”
- Không nên “cắt” khẩu phần sữa của bé. Mẹ nên lưu ý, trong 1 năm đầu tiên sau khi chào đời, sữa vẫn là thức ăn chính của con.
- Để hạn chế nguy cơ dị ứng, mẹ nên cho con ăn từng ít một, và nên đợi ít nhất 3 ngày sau khi thử món mới để xem liệu cơ thể bé có phản ứng với thực phẩm này không.
4/ Mách mẹ những phương pháp ăn dặm thường gặp
- Phương pháp ăn dặm chỉ huy (baby led weaning): Với phương pháp này, bé cưng được mẹ cho quyền “tư quyết”, có thể tự chọn món mình muốn ăn, ăn khi nào và ăn bao nhiêu. Bé được khuyến khích tự bốc các loại thức ăn dạng thô, mềm mà không nhờ sự trợ giúp của mẹ.
- Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật: Với mục đích tập làm quen với mùi vị thức ăn và khuyến khích sự phát triển vị giác, mẹ chỉ cho bé ăn 1 bữa mỗi ngày, và thức ăn chính vẫn là sữa. Lượng thức ăn và số bữa ăn sẽ tăng dần theo thời gian và nhu cầu của bé. Bé bắt đầu với cháo trắng nghiền, sau đó là rau củ rồi đến các loại thịt, cá.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn