Một nghiên cứu mới đây cho thấy các bà mẹ thường giao tiếp với con bằng giọng cao như thể chim hót trong một bộ phim hoạt hình, trong khi những ông bố lại thường giao tiếp với bé yêu bằng chất giọng người lớn. Và những bé thường được nghe bố nói chuyện sẽ phát triển khả năng ngôn ngữ hoàn hảo hơn






Mẹ líu lo, bố bình thường
Vẻ xinh xắn, đáng yêu của bé khiến bạn không thể ngừng thốt lên bằng giọng cao vút: “Ai mà xinhh thếếế ? Là bé xinh phải không ! Đúnggg rùiiii, là bé đó !”. Bạn nghĩ rằng bất kỳ ai cũng nói như thế ư? Một nghiên cứu mới đây của Đại học Washington State được công bố trong buổi họp thường niên hàng năm tại Hiệp hội Âm thanh Hoa Kỳ cho thấy chỉ có người mẹ hay làm như thế. Ngược lại, những người cha thường nói chuyện với con bằng giọng bình thường.
Kiểu nói chuyện chọc cười bé của các mẹ được cho là giúp thúc đẩy mối liên kết giữa mẹ và con. Và bởi vì những ông bố cũng đang dần dần tham gia vào việc nuôi dạy những đứa con nhiều hơn, nên các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu những ông bố có nói chuyện với bé giống cách của mẹ hay không. Họ trang bị cho những gia đình có con chưa đến tuổi đi học các thiết bị ghi âm và theo dõi gia đình tương tác với nhau qua một ngày. Kết quả thu được cho thấy rằng các mẹ thường dùng giọng cao và thay đổi nhiều thanh độ khi trò chuyện với bé con. Trong khi đó, các ông bố ít khi thay đổi giọng điệu của mình, họ nói chuyện với các bé con như nói chuyện với những người trưởng thành vậy.




Người cha đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kỹ năng ngôn ngữ của trẻ

Ai bắt chước ai?
Theo các chuyên gia, kiểu nói của mẹ thường được dùng để thu hút sự chú ý và thích thú ở trẻ. Đó là những lời nói bằng thanh độ cao, giống với tiếng bập bẹ của trẻ sơ sinh, và trẻ sẽ dễ nhận ra, hay thậm chí bắt chước theo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mẹ lại đang bắt chước bé đấy nhé.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người cha bị “thất thế” vì không dùng kiểu nói chuyện của trẻ nhỏ. Bằng việc sử dụng giọng nói của người lớn, các ông bố thực sự trở thành “cầu nối” giữa bé với ngôn ngữ mà bé nghe được ở thế giới bên ngoài.
Những sự khác biệt cơ bản trong cách nuôi dạy trẻ có thể là nguyên nhân của việc đàn ông và phụ nữ có cách nói chuyện khác nhau với với trẻ nhỏ. “Các ông bố có xu hướng tập trung vào mục tiêu trong khi các bà mẹ thì lại thường có xu hướng thiên về quá trình trong cách họ nuôi dạy đứa trẻ. Vì vậy, bố thường dùng ngôn ngữ trưởng thành, trong khi mẹ lại cùng con “dạo chơi” ở ngay giai đoạn mà bé đang phát triển.
Ích lợi của việc trò chuyện bằng cả hai cách
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các ông bố có vai trò lớn hơn các bà mẹ trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ (vì vậy, mẹ đừng ngần ngại giao con cho bố trong những lúc mình phải vắng nhà). Những ông bố hay trò chuyện với con sẽ giúp tăng cường vốn từ vựng cho con. Đặc biêt, các ông bố có kiến thức rộng lớn về thế giới sẽ mang đến cho bé những khái niệm vô cùng thú vị bằng từ ngữ. Sẽ thế nào khi một nhóc tỳ mới chỉ 3 tuổi mà đã biết được “khủng long bạo chúa” hay “hổ răng kiếm”? Rất đáng để bố dành ra một ít thời gian mỗi ngày để trò chuyện với con phải không nào?
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các bà mẹ nên ngừng sử dụng ngôn ngữ của trẻ em. Mỗi phương pháp nuôi dạy đều có ưu điểm riêng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Người mẹ cho bé yêu cơ hội dùng ngôn ngữ giống với bé, và người cha cho bé yêu cơ hội dùng ngôn ngữ của công chúng. Bằng cách này, cha và mẹ có thể bổ sung cho nhau trong việc cho trẻ cơ hội thực hành cả hai thứ.


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn