Lớp ráy tai được sinh ra để bôi trơn và bảo vệ cho đôi tai của bé ngay từ khi mới sinh. Việc lấy ráy tai là thừa thãi nếu bé không gặp phải những trường hợp như ráy tai khô cứng hay đóng dày làm bít lỗ tai của bé. Ngay cả khi điều này xảy ra, mẹ vẫn cần phải hết sức nhẹ nhàng để không làm tổn thương đến màng nhĩ và vùng da trong lỗ tai






Chỉ trong trường hợp ráy tai không được đẩy ra khỏi tai theo quy trình tự nhiên thì mẹ mới cần phải can thiệp. Tình trạng ráy tai khô cứng hay thậm chí nhiều đến nỗi bít kín lỗ tai cũng không phải là hiếm gặp. Bạn cần lưu ý những gì?
Không lấy ráy tai khi không cần thiết
Nhiều mẹ làm vệ sinh tai cho con mỗi ngày mà không biết rằng mình đang lấy đi lớp màng bảo vệ tự nhiên bên trong lỗ tai của con. Thực ra, trong mỗi tháng mẹ chỉ cần giúp con vệ sinh tai 2 lần là đủ. Nếu ráy tai chỉ mới đóng thành một lớp màng mỏng, đừng nóng ruột, chúng sẽ bong ra khỏi lỗ tai và tự động được cơ thể đưa ra ngoài. Việc lấy ráy tai khi không thực sự cần thiết rất dễ làm tổn thương tai bé.




Chỉ nên vệ sinh vành tai của bé bằng bông gòn hay tăm bông mềm đã được nhúng nước ấm

Chọn dụng cụ thích hợp
Lưu ý, da trong tai rất dễ trầy xước, nên chỉ một chiếc tăm bông quá cứng cũng có thể khiến bé bị đau. Mẹ không nên sử dụng tăm bông có đầu nhọn và những dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại.


Đối với bé dưới 36 tháng, mẹ dùng khăn tắm để làm sạch vành tai, sau đó xoắn góc khăn thành hình kén và lau phần ống tai ngoài cùng. Không nên dùng tăm bông vì đầu bông rất dễ đẩy chất bẩn vào sâu trong tai. Khi bé lớn hơn, mẹ có thể giải thích cho con về việc vệ sinh tai và dùng tăm bông hay dụng cụ chuyên biệt. Tốt nhất, mẹ nên đưa bé đi đến các phòng khám chuyên khoa để được kiểm tra tình trạng tai.
Lấy ráy tai khi nào bé chịu ngồi yên
Nếu bé đang quấy khóc hay thấy khó chịu với việc lấy ráy tai, bạn không nên cố ép buộc con. Lúc này, bạn sẽ rất dễ khiến con bị thương.
Khi ráy tai khô cứng, mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý vào tai con khoảng 3 đến 5 lần mỗi ngày để ráy tai mềm và tự trôi ra ngoài. Nếu sau vài ngày mà cách này không hiệu quả, bạn nên đưa con đi kiểm tra để được bác sỹ làm vệ sinh tai, tránh nhiễm trùng.


Thật khó để nhìn rõ điều gì đang xảy ra trong tai của bé. Tuy nhiên, tinh ý một chút, mẹ có thể nhận ra ngay những bất thường. Nếu bé thường xuyên gãi, bứt tai hay cho ngón tay vào ngoáy tai, đó chính là dấu hiệu cho thấy tai bé bị ngứa hoặc đau. Ngoài ra, tình trạng ráy tai đóng nhiều, tai chảy dịch vàng, chảy mủ cũng báo hiệu những vấn đề như viêm tai, nhiễm trùng hay tổn thương nào đó ở bên trong. Bé cũng có thể nghe không rõ vì ráy đóng dày. Nếu không muốn ráy tai khô, cứng mẹ nên nhắc con uống nước đầy đủ vì mất nước là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn