Không chỉ được nhiều mẹ Tây quan tâm và áp dụng, ăn dặm tự chỉ huy cũng đang được phổ biến và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng các bà mẹ Việt. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, khi cho bé tiếp xúc với thực phẩm rắn quá sớm có thể gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ, thậm chí có thể gây hại dạ dày






Khác với cách ăn dặm kiểu Nhật hay cách ăn dặm truyền thống, khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy, mẹ không cần thiết phải xay nhuyễn các loại thực phẩm từ trước mà có thể cho bé tự bốc ăn các loại thực phẩm có dạng thô, mềm. Theo các chuyên gia, cách ăn dặm này không chỉ kích thích bé ăn uống ngon miệng hơn mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng phát triển giữa tay và mắt. Mặc dù vậy, vẫn có không ít những mẹ lo ngại rằng, việc cho trẻ tiếp xúc với thực phẩm dạng thô, rắn quá sớm liệu có gây hại cho sức khỏe của bé?




Được nhiều mẹ áp dụng, nưng liệu phương pháp này có thực sự an toàn cho bé?

1/ Gây khó khăn cho hệ tiêu hóa?
Thực tế, dù áp dụng theo phương pháp ăn dặm nào thì trong giai đoạn đầu, mục đích chủ yếu vẫn là giúp bé làm quen với mùi vị của nhiều loại thực phẩm khác nhau. Sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu, và các bé hầu như cũng chỉ tiêu thụ được từ 1-2 muỗng thực phẩm, không quá nhiều để gây khó khăn cho hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, trong quá trình nhai nuốt, phần thực phẩm trẻ vừa ăn cũng đã được “trộn” một lượng nước bọt vừa đủ. Các enzym trong nước bọt có tác dụng chuyển hóa tinh bột thành đường glucose. Khi xuống tới dạ dày, thực phẩm lại một lần nữa được các dịch vị trong dạ dày thủy phân và chuyển tới ruột, nơi thực phẩm được hấp thụ vào máu và hệ bạch huyết. Như vậy, nếu theo “cơ cấu hoạt động” của hệ tiêu hóa, việc ăn thực phẩm thô không gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa hay ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày của bé đâu mẹ nhé! Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, cho bé ăn thực phẩm thô còn có thể giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động dễ dàng hơn. Bởi trong quá trình nhai, nuốt, trẻ có nhiều thời gian để “trộn” amylase vào thực phẩm, giúp quá trình thủy phân thực phẩm ở dạ dày được diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn.
2/ Nguy cơ hóc, nghẹn
Ngoài việc lo lắng cho khả năng tiêu hóa của trẻ, cũng có không ít mẹ lo ngại rằng việc cho bé tự bốc ăn có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị hóc, nghẹn trong khi ăn. Tuy nhiên, mối bận tâm này cũng dễ dàng được giải quyết nếu các mẹ cẩn thận hơn trong khâu chuẩn bị và cho bé ăn. Tránh chọn những thực phẩm nhỏ, cứng như nho, nhãn, mãng cầu…., nên chọn thực phẩm mềm, dễ cầm, có kích thước vừa phải. Đặc biệt, mẹ phải nhớ “giám sát” cẩn thận trong quá trình cho bé tự ăn để hạn chế nguy cơ có thể xảy ra.


3/ Lưu ý khi cho bé tập ăn dặm tự chỉ huy
- Trong giai đoạn đầu khi răng bé chưa phát triển đầy đủ, mẹ nên chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và khó có thể gây nghẹn, hóc cho bé.
- Để mỗi bữa ăn không trở thành một “thảm họa”, mẹ nên chuẩn bị khăn ăn và sử dụng thảm lót dưới ghế của bé.
- Chỉ cho bé tiếp xúc với lượng thực phẩm vừa phải và mẹ có thể thêm nếu bé đã ăn hết nhưng vẫn có biểu hiện “thòm thèm”
- Cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau và thường xuyên thay đổi món hàng ngày
- Với những bé dưới 1 tuổi, mẹ không nên sử dụng muối khi chế biến thực phẩm cho bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn