Khác với năm đầu đời, chế độ dinh dưỡng cho bé 1-3 tuổi không cần quá chú trọng đến số lượng thực phẩm bé tiêu thụ trong mỗi bữa. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của con. Nghe có vẻ khó khăn quá đúng không?






Không còn phải ăn những món được đặc chế cho riêng mình, bé 1-3 tuổi đã có thể tham gia vào bữa ăn của gia đình như một người lớn thực thụ. Những bé trong giai đoạn này cũng đang dần hình thành thói quen ăn uống. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng đa dạng và phong phú trong giai đoạn này sẽ rất quan trọng với trẻ.
Tùy vào cân nặng của trẻ, nhu cầu năng lượng mỗi ngày có thể sẽ khác nhau. Trung bình, bé cần bổ sung 100-110 calorie cho mỗi kg cân nặng của mình. Chẳng hạn, một bé nặng khoảng 11 kg sẽ cần khoảng 11x 100 (110) = 1100 – 1210 calorie mỗi ngày.




Để bảo đảm cho sự phát triển của con, mẹ nên đảm bảo khẩu phần ăn mỗi ngày của bé đủ các nhóm chất quan trọng

1/ Tầm quan trọng của sữa
Không còn là nguồn cung cấp chính chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, nhưng hàm lượng canxi, vitamin D có trong sữa các loại vẫn rất quan trọng đối với sự hình thành hệ xương và răng của trẻ. Từ 1-2 tuổi, để đảm bảo cho sự phát triển trí não của trẻ, mẹ nên cho bé uống sữa nguyên kem. Sau 2 tuổi, ngoài sữa, mẹ có thể cho bé ăn thêm những thực phẩm được chế biến từ sữa để đáp ứng nhu cầu canxi ngày càng tăng của bé.
Bên cạnh bữa ăn hàng ngày, trẻ từ 1-2 tuổi cần bổ sung khoảng 200 – 300ml để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Từ 2-3 tuổi, bé sẽ cần khoảng 300 – 400 ml sữa mỗi ngày. Mặc dù tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nhưng mẹ cũng không nên cho bé uống quá 500 ml sữa mỗi ngày đâu nhé! Không chỉ khiến con dư thừa canxi, hàm lượng đạm trong sữa còn khiến bé bị đầy bụng, và không muốn ăn thêm bất cứ món nào khác. Như vậy, khả năng bé bị thiếu chất là rất cao mẹ nhé!
2/ Vai trò của chất đạm
Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tế bào, và tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Thiếu đạm là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ còi cọc, chậm lớn. Giống như lượng calorie mỗi ngày, nhu cầu đạm của bé cũng phụ thuộc rất lớn vào trọng lượng của trẻ. Theo đó, cứ mỗi kg cân nặng, bé cần được bổ sung khoảng 2-2,5g đạm mỗi ngày.
Thành phần đạm trong một số loại thực phẩm (trong 100 gram):
- Các loại thịt (thịt lợn, gà, bò): 20-21 g
- Tôm, cua, cá: 16-18 g
- Trứng: 13-14 g
- Đậu hũ: 9g

3/ Chất béo, thành phần không thể thiếu
Ngoài tham gia đóng góp một phần năng lượng cho những hoạt động mỗi ngày của cơ thể, chất béo còn đóng vai trò quan trọng vào sự hình thành và phát triển các tế bào não của trẻ. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1-2 tuổi, bổ sung đầy đủ lượng chất bé cần thiết là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí não của trẻ.
Trẻ từ 1-3 tuổi cần khoảng gram chất béo mỗi ngày, tương đương khoảng 1, 2 muỗng cà phê dầu ăn. Ưu tiên những loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật, nhưng cũng không nên cắt giảm nguồn chất béo từ động vật của con, mẹ nhé!
4/ Tinh bột
Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động hàng ngày của trẻ. Nếu không được cung cấp đủ lượng tinh bột cần thiết, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống…
Từ 150- 200g gạo mỗi ngày là đủ cho nhu cầu tinh bột mỗi ngày của trẻ. Nếu cho bé ăn bún, phở các loại, mẹ nên cắt giảm bớt nhu cầu gạo của bé. Dư thừa tinh bột rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, mẹ nên cẩn thận.

5/ Rau xanh và các loại trái cây
Ngoài tác dụng bổ sung một lượng chất xơ dồi dào giúp ngăn ngừa táo bón và những bệnh về đường ruột, rau xanh và các loại trái cây còn giúp bổ sung thêm một lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
Vì vậy, mẹ nên thêm ít nhất 50g rau xanh và khoảng 150 g trái cây trong thực đơn mỗi ngày của con nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn