Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa phát hiện ra ảnh hưởng của chì ở mức độ nhẹ nhất cũng giảm trí thông minh của trẻ và gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về cảm xúc, hành vi.





Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Pediatrics (của Hiệp hội Y học Mỹ).

Ngậm đồ chơi là một trong những nguy cơ trẻ dễ bị nhiễm chì. Ảnh minh họa: internet

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Viện Khoa học sức khỏe môi trường Mỹ (NIEHS) sau khi tiến hành đo nồng độ chì trong máu của hơn 1.300 trẻ em mẫu giáo ở Trung Quốc phát hiện rằng, những trẻ có hàm lượng chì từ 6,4 microgram/một dl (decilit) máu trở lên có liên quan với sự gia tăng nguy cơ rối loạn hành vi và cảm xúc, như tâm trạng lo lắng, thái độ chán nản, hung hăng…

Dù hàm lượng chì 6.4 microgram/dl là mức độ chì thấp hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy không có mức độ chì an toàn nào đối với sự phát triển của trẻ. Theo các nhà nghiên cứu thì điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ tác hại của nhiễm chì đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của trẻ để có biện pháp ngăn chặn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tại Mỹ, trẻ thường bị nhiễm chì do tiếp xúc với các sản phẩm có chứa chì, như sơn, que hàn, ống hàn và trong các căn nhà cũ; trong khi tại Trung Quốc, trẻ bị nhiễm chì thường do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm nặng.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ trước đây phát hiện, trẻ bị nhiễm chì thường có các vấn đề hành vi, như dễ gây hấn, bắt nạt, trốn học và thậm chí trở thành tội phạm sau này. Trong khi kết quả nghiên cứu này cho thấy, trẻ em có nồng độ chì trong máu cao thường bị giảm trí thông minh và có các vấn đề tâm thần, như lo âu, trầm cảm, cũng như một số biểu hiện hành vi bên ngoài khác.

Ngoài ra, khi bị ngộ độc chì, chì sẽ xâm nhập cơ thể, tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, thận hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng, trong xương và máu. Chì gây tổn thương não vĩnh viễn khi bị ngộ độc mạn tính hoặc chết người nếu ngộ độc muối chì hữu cơ có liều lượng lớn. Trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn, hầu hết là do nuốt phải vật có chứa hàm lượng chì khá lớn (sơn, thức ăn nhiễm bụi chì hoặc chì thôi ra từ vật đựng thức ăn, nước uống, ngậm hoặc mút tay bốc những đồ chơi sơn chì) , ngậm pin có chì.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn