“Các điều tra cho thấy tỉ lệ trẻ nhỏ và người lớn ở các đô thị mắc các bệnh dị ứng miễn dịch nhiều gấp rưỡi so với trẻ con nông thôn, những vùng sống gần với tự nhiên”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cảnh báo.









Thủ phạm: Lối sống công nghiệp




Qua thực tế điều trị tại khoa Nhi BV Bạch Mai cũng cho thấy, tỉ lệ trẻ bị viêm da, chàm, hen… rơi nhiều vào trẻ thành phố mà nguyên nhân là do lối sống hiện đại, quá xa rời thiên nhiên, ăn nhiều các thức ăn công nghiệp… Trái ngược hẳn với những em bé ở vùng nông thôn, thường bị các bệnh nhiễm khuẩn nhiều hơn là dị ứng miễn dịch.

“Dị ứng thức ăn thể hiện rất rõ nguyên nhân từ lối sống. Một đứa bè từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, ngoài bú sữa mẹ (rất ít được bú hoàn toàn trong 6 tháng), còn lại toàn ăn đồ công nghiệp, từ sữa, đến bột pha sẵn, nước uống đóng chai đến thức ăn sẵn… Những thực phẩm này ít có nguy cơ nhiễm khuẩn nhưng lại dễ dẫn tới các bệnh dị ứng. Những đứa trẻ này khi lớn lên, chỉ cần thay đổi môi trường sống như khi đi du lịch, ăn thức ăn lạ… sẽ dễ bị tiêu chảy, còn gọi là hội chứng tiêu chảy du lịch. Nhất là chúng có thể bị dị ứng với các loại thực phẩm mà chưa một lần được ăn từ bé”, TS Dũng nói.

“Đáng nói là những biểu hiện bệnh miễn dịch dị ứng không thể hiện ngay mà thường diễn biến trong một thời gian rất dài. Nên khi được giải thích đó là do lối sống, nhiều người đã khẳng định không phải. Vì theo họ, trẻ từ bé đã có chế độ sinh hoạt như vậy, sao mãi lớn lên mới bị”, TS Dũng nói.

“Bẩn một chút không sao”

Sạch sẽ luôn rất cần thiết vì nếu không sẽ bị vi khuẩn tấn công và gây bệnh cho cơ thể nhưng nếu sạch sẽ thái quá thì cũng sẽ là một thảm họa. Đó chính là lý do vì sao các bác sĩ thường khuyên: “Bẩn một chút không sao”.

Nói một cách khác, đừng bao giờ giữ dịt trẻ trong nhà mà hãy để trẻ chạy nhảy, chơi đùa. Đừng cho ăn toàn đồ chế biến sẵn, hãy chăm cho bé bú mẹ, nấu bột, cháo với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thực phẩm tự chế biến, tự cho ăn có thể không “siêu sạch” như các thực phẩm công nghiệp nhưng nó rất có lợi cho hệ miễn dịch của bé. Cơ thể sẽ học được cách “đương đầu” với các vi sinh vật, vi khuẩn bằng cách tạo ra các kháng thể.

Nhưng cũng đừng “bẩn” thái quá đến mức cả ngày không rửa ráy, tắm cho trẻ, để trẻ lăn lê bò toàng, bốc đất, giấy bẩn cho vào miệng...

“Chỉ trừ những trẻ từ khi sinh ra vốn gen đã dị ứng thì không thể thay đổi được (phòng tránh bằng cách tránh xa các dị nguyên dị ứng) còn lại, có thể giảm thiểu được nhờ chế độ dinh dưỡng hài hoà, đa dạng, sống gần gũi với thiên nhiên, cân bằng lối sống”,
TS Dũng khuyên.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn