Vào dịp lễ Tết, thật khó để kiểm soát việc ăn uống của trẻ. Tuy nhiên, tâm lý “cho vui mấy ngày Tết” và để con ăn uống vô chừng, thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc về sức khỏe của bé.







Bảo đảm vệ sinh và an toàn ăn uống cho trẻ
- Trong những ngày Tết, thức ăn thường thừa nhiều, nên bạn cần lưu ý đến việc bảo quản thực phẩm thật tốt. Tránh ruồi nhặng, ô nhiễm, ôi thiu. Nói chung, bạn cần bảo đảm vệ sinh tuyệt đối, nhằm tránh cho trẻ không bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
- Thức ăn nhiều khi phải lưu giữ nhiều ngày, nên bạn đừng để cho trẻ thấy có nhiều thức ăn ngon miệng và tha hồ ăn quá sức chịu đựng của bộ máy tiêu hóa. Như vậy, rất dễ khiến trẻ mắc chứng bội thực.
- Bánh chưng, bánh tét là món ăn phổ biến trẻ thích ăn trong dịp này. Nhưng nếu không bảo quản cẩn thận dễ bị nấm mốc, bởi bánh nhiều dưỡng chất và có độ ẩm cao. Vì thế, khi phát hiện bánh bị nấm mốc cần loại bỏ ngay. Nếu bánh mới chớm mốc, phải cắt bỏ sâu những chỗ bị mốc và hấp thật kỹ trước khi cho trẻ ăn.
- Hãy chuẩn bị cho trẻ những chai nước hợp vệ sinh được đun sôi để nguội. Các bữa ăn thịnh soạn thường là rất mặn, trẻ sẽ khát nước nhiều và có thể sẵn sàng uống bất cứ loại nước nào, dù không hợp vệ sinh.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống rượu bia. Tất cả các loại thức uống có chứa chất cồn đều gây hại cho sức khỏe của trẻ và có thể bất ngờ gây tai biến nguy hiểm đối với một thể trạng còn quá bé nhỏ.
- Không cho trẻ ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn. Thời tiết bất thường vào dịp Tết khiến đồ ăn chế biến sẵn rất dễ dễ bị ôi thiu, hư hỏng… Nếu tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này, trẻ dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Do đó, nên cho trẻ ăn thức ăn còn tươi, mới.
- Khi tiêu thụ những Thực phẩm không rõ nguồn gốc, bày bán ven đường hay tại các khu vui chơi thường không đảm bảo vệ sinh. Nếu trẻ ăn vào, dễ bị đau bụng, tiêu chảy, thương hàn, kiết lỵ... Đặc biệt, các loại thức ăn lạnh như kem, nước ngọt…, vi khuẩn dễ sinh sôi, nảy nở và gây bệnh rất nhanh.

Lưu ý đặc biệt với trẻ còn bú mẹ
Do nguồn thức ăn chính của trẻ là sữa mẹ, nên bạn cần duy trì đều đặn việc ăn uống của mình, để cung cung cấp đủ sữa cho trẻ bú. Nghĩa là, mặc dù bận rộn với việc tiếp khách và vui chơi, nhưng bạn cần ăn đúng bữa và đủ chất dinh dưỡng. Một số món ăn ngày Tết thường chứa nhiều loại gia vị, nhiều chất đạm và hương liệu, nên bạn cần thận trọng khi chọn món, để không ảnh hưởng đến mùi vị của sữa khi cho trẻ bú. Bạn nên tránh những món ăn chứa nhiều gia vị như cà ri, tỏi, tiêu, hành… Nếu không, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và bỏ bú ngay.
Một số món ăn lên men như dưa kiệu, dưa hành, dưa chuột, bao tử heo làm chua… có tác dụng giúp ngon miệng nhờ chứa vitamin L, đồng thời giúp kích thích việc tiết sữa một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn cần uống nhiều nước, tránh thức khuya, để bảo đảm cho nguồn sữa. Nếu trẻ đến tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé ăn thêm các món chế biến nhanh và đủ dưỡng chất như bột sữa, bột trứng, cháo thịt (heo, bò…), hoặc rau củ và ăn thêm nhiều trái cây. Tránh cho trẻ ăn đồ lạnh, dễ bị viêm họng, ho.
Thạch Thảo
Tạp Chí Bầu số 56-57, 10/01/2014



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn