Chẳng phải đợi gì đến kỳ tiêm phòng cho trẻ, bình thường khi con ốm sốt cần đến chích thuốc, bé con nhà bạn khóc giãy nảy lên. Chỉ cần dọa đi bác sĩ hay đến bệnh viện thôi, bé cũng đã sởn hết gai ốc. Đôi khi sự bất hợp tác này làm các y bác sĩ rất khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Mẹ phải làm gì để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi này đây?






Nếu không giúp trẻ thôi không sợ kim tiêm và hợp tác hơn mỗi khi chích thuốc, đặc biệt là vào những dịp tiêm phòng cho trẻ, ba mẹ đã vô tình tạo điều kiện cho nỗi ám ảnh này lớn dần lên và theo bé suốt cả cuộc đời về sau. Điều này đã được minh chứng rằng đa phần những người sợ kim tiêm đều bắt nguồn từ thưở thơ ấu. Tin tốt là với vài chiến lược đơn giản sau, ba mẹ có thể giúp con bớt sợ hãi, kiểm soát cơn đau dễ dàng hơn và giảm nguy cơ phát triển nỗi ám ảnh này trở nên không thể cứu chữa.
Không tính đến những lần chích thuốc do bệnh tật, thông thường trẻ phải chích ngừa trên dưới 20 mũi trước khi lên 5 tuổi. Vì vậy, kim tiêm nói chính xác là một phần thiết yếu cho sức khỏe của trẻ, giúp chống lại sự lây lan của virus như sởi, ho gà, rubella hay uốn ván. Tùy vào độ tuổi của bé, ba mẹ nên áp dụng phương pháp khác nhau.

1/ Đối với trẻ sơ sinh
Sự an ủi, vỗ về chính là chìa khóa giúp trẻ đỡ căng thẳng hơn. Khi đưa trẻ đi tiêm phòng hoặc chích thuốc, mẹ nên giữ bình tĩnh, ôm bé thẳng đứng. Trấn an trẻ bằng cách cho con bú trước, trong và sau khi tiêm. Cho bé uống chút nước đường cũng là mẹo giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, còn có gel giảm đau, tránh dùng thuốc giảm đau đường uống dưới mọi hình thức.
2/ Đối với trẻ biết đi
Trước vài giờ đi tiêm phòng hoặc vài ngày, bạn nên nói chuyện với bé về chuyện nhận một mũi tiêm quan trọng như thế nào, và tuyệt đối không đả động gì đến vấn đề đau đớn. Trong lúc tiêm, đánh lạc hướng bé bằng những trò chơi, hát hoặc thậm chí phá lệ cho bé chơi máy tính bảng, điện thoại thông minh trước, trong và sau khi tiêm. Gel giảm đau cũng có thể áp dụng được với bé ở lứa tuổi tập đi.
3/ Đối với trẻ đã đi học




Đừng để nỗi sợ kim tiêm phát triển thành sự ám ảnh về sau của trẻ

Dạy bé cách hít thở sâu, đồng thời đánh lạc hướng trẻ sẽ giúp con bớt căng thẳng hơn mỗi khi đi chích thuốc. Khi bé lớn hơn, mẹ đã có thể giải thích cặn kẽ và chi tiết về tầm quan trọng thực sự về một mũi tiêm, đảm bảo với bé rằng cảm giác đau chỉ là phù du, một phát như kiến cắn thế là xong.
Mua cho trẻ một cây kem, một cuốn truyện để đọc, và xem đây như là phần thưởng cho sự dũng cảm của trẻ.
4/ Làm gì nếu trẻ không nguôi lo sợ?
Để cho việc chích thuốc được diễn ra suôn sẻ, ba mẹ nên để trẻ lại với y bác sĩ nếu trẻ la khóc dữ dội. Lúc này, lời nói an ủi thực sự vô ích. Vì vậy, tránh sang một bên để bác sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra còn một điều quan trọng ba mẹ nên tránh, nếu một trong hai người không thể giữ bình tĩnh khi thấy con khóc hoặc cũng khá sợ việc chích thuốc, đừng nên đi cùng trẻ. Tâm lý lo lắng của bạn sẽ bị trẻ nắm thóp, từ đó trẻ càng sợ hơn.
Sau khi tiêm, đừng quên khen ngợi trẻ đã làm một việc rất tốt và đáng tuyên dương, ngay cả khi bé đã khóc thét vì sợ hãi. Thay vì nói “Việc gì phải khóc, chỉ là tiêm thôi mà”, ba mẹ nên tập trung vào điều tốt đã diễn ra, đó là việc tiêm thuốc đã xong xuôi, và trẻ đã hợp tác rất tốt.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn