Nếu trẻ có hành động cắn người khác, bố mẹ đừng quở trách mà nên tìm nguyên nhân để có cách uốn nắn trẻ hiệu quả.






Thời kỳ thích cho đồ vào miệng
Trong quá trình phát triển của trẻ, khoang miệng là một cơ quan rất quan trọng. Trẻ cho đồ ăn vào miệng hoặc mút đồ vật để thỏa mãn tâm lý, đồng thời cũng dùng miệng để cảm nhận thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy trẻ nhỏ hay cho đồ chơi vào miệng. Cắn đồ vật là cách trẻ khám phá thế giới một cách vô thức. Trẻ từ 2 - 8 tháng tuổi cảm thấy rất thích thú khi cho đồ vào miệng. Trẻ thông qua hành động cắn người khác và cắn đồ vật để khám phá thế giới bên ngoài, thu về cảm giác hài lòng. Đây là một nhu cầu tâm lý hết sức bình thường.
Thời kỳ mọc răng
Trẻ trong giai đoạn từ 4 - 10 tháng sẽ mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Khi răng mọc, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu trong miệng, sẽ muốn cắn người khác và đồ vật vì chiếc răng mọc lên làm trẻ đau. Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn, trẻ không có cách nào hiểu được cảm giác nhai thì trẻ sẽ dùng cách cắn người khác để thử nghiệm cảm giác răng miệng.



Trẻ thường dùng cách cắn để thu hút sự chú ý của bố mẹ. Ảnh minh họa
Bày tỏ cảm xúc
Trẻ thường cảm thấy rất thích thú khi bú. Khi bé bú no, bé thường cắn mẹ. Đây là cách để bé bày tỏ cảm xúc với mẹ, nói rằng: 'Cảm ơn mẹ đã cho con bú những giọt sữa thơm ngon như vậy'. Trẻ trong khoảng từ 1 - 2 tuổi chơi cùng mẹ, khi vui cũng có thể đột nhiên cắn mẹ, càng bảo bé buông ra, bé càng cắn chặt không chịu buông. Lúc này, ý nghĩ của bé là: 'Con yêu mẹ nên không kìm được cắn một miếng thật mạnh'.
Ngôn ngữ nghèo nàn
Ngôn ngữ của trẻ từ 1 - 2 tuổi chưa đủ hoàn thiện. Trẻ thường không thể biểu đạt chính xác ý muốn của mình, thế nên trẻ thường dùng cách cắn để thu hút sự chú ý của bố mẹ và những người xung quanh hoặc chỉ là bày tỏ một loại cảm xúc. Vì vậy mục đích của trẻ là giao lưu và bày tỏ ý muốn.
Bắt chước, bộc lộ hoặc trút giận
Trẻ trên dưới 2 tuổi có tính tò mò rất cao, cũng có ý thức coi mình là trung tâm. Khi bé nhìn thấy bạn nhỏ khác cắn thì sẽ cảm thấy thích thú. Có những phụ huynh cũng thể hiện sự thân thiết và tình yêu thương bằng cách cắn nhẹ vào da bé. Thế nên bé cũng bắt chước đi cắn người khác.
Có lúc, khi yêu cầu của bé không được đáp ứng hoặc tâm lý cảm thấy không vừa ý, bé cũng có thể trút giận bằng cách cắn người khác. Ngoài ra, nếu người chăm sóc coi nhẹ sự an toàn của trẻ, để trẻ chơi một mình sẽ dẫn đến việc bé cảm thấy sợ hãi những thứ mới, môi trường lạ lẫm, hành vi cắn người khác trở thành cách duy nhất để bảo vệ chính mình và chiến thắng nỗi sợ hãi.
Vì vậy, nếu trẻ có hành động cắn người khác, bố mẹ đừng ngăn cản, quở trách ngay lập tức mà nên chú ý quan sát tìm nguyên nhân trẻ thích cắn người khác để có cách uốn nắn trẻ hiệu quả.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn