Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của trẻ, sản sinh ra những độc tố khiến trẻ bị trúng độc, và có thể dẫn đến những triệu chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời






Đa số các trường hợp nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là do sự tấn công của các loại vi khuẩn như vi khuẩn que ruột già, vi khuẩn que biến hình, khuẩn que khuẩn xanh, vi khuẩn cầu biến hình… Không chỉ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về hệ tuần hoàn máu, và não của trẻ, những trường hợp nhiễm trùng máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ. Theo thống kê, nhiễm trùng máu là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ sơ sinh, chỉ xếp sau chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.



Nhiễm trùng có thể sảy ra ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ, hoặc trong vòng 30 ngày kể từ ngày con chào đời
1/ Nguyên nhân nhiễm trùng máu
- Những trường hợp nhiễm trùng máu trước khi sinh thường là do trong thời gian mang thai, mẹ bầu mắc các bệnh như rubella, toxoplasmosis, nhiễm trùng đường tiết niệu… Những vi khuẩn gây bệnh này sẽ thông qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu của trẻ.
- Những trường hợp vỡ ối sớm sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn trong hệ sinh dục xâm nhập vào màng ối, làm nhiễm khuẩn nước ối. Nếu thai nhi nuốt phần nước ối bị “ô nhiễm” này, nguy cơ viêm phổi, viêm dạ dày và phát triển thành nhiễm trùng máu sẽ rất cao.
- Nhiễm trùng máu sau khi sinh là do vi khuẩn xâm nhập vào máu thông qua niêm mạc da, đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu… Đặc biệt, nguy cơ nhiễm trùng do cuống rốn của bé không được chăm sóc kỹ càng cũng khá cao.
Mất từ 3 -7 ngày, thậm chí gần cả tháng rốn trẻ sơ sinh mới khô và rụng hoàn toàn. Trong thời gian đó, việc chăm sóc rốn cho trẻ đặc biệt quan trọng, vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ, nguy cơ viêm rốn, nhiễm trùng rốn là rất cao
2/ Dấu hiệu thông thường
Tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé mà các biểu hiện có thể thay đổi khác nhau. Chẳng hạn, trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ xuất hiện những biểu hiện của bệnh viêm phổi, viêm màng não như ngừng thở, hạ huyết áp… Nhiễm trùng máu do tụ cầu khuẩn thường biểu hiện ở xương và da, phổ biến nhất là tình trạng viêm da nhiễm trùng.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng máu ở trẻ có thể rất đa dạng, và dễ bị “nhận nhầm” với nhiều căn bệnh khác. Tuy nhiên, đa số các trường hợp, trẻ sẽ có những biểu hiện sau đây. Mẹ lưu ý nhé!
- Sốt cao trên 38 độ hoặc nhiệt độ cơ thể xuống thấp bơn 35 độ
- Không có sức ăn, thậm chí uống sữa
- Phản ứng chậm, khóc yếu
- Buồn ngủ hoặc ngủ li bì
- Có những biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, thở khò khè
- Có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, trướng bụng…
- Da vàng hoặc có vẻ tím tái, xanh xao
Vàng da là một tình trạng rất phổ biến đối với trẻ sơ sinh. Các triệu chứng của căn bệnh thường xuất hiện từ 2 đến 3 ngày sau khi sinh và có thể tự biến mất nếu mẹ thực hiện việc chăm sóc bé đúng đắn
3/ Mẹ đã biết cách chăm sóc và điều trị nhiễm trùng máu cho trẻ?
- Với đa số các trường hợp, bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm đặc thù tìm ra loại vi khuẩn tấn công để điều trị hợp lý nhất. Song song với quá trình điều trị nhiễm trùng máu, bác sĩ cũng sẽ “khắc phục hậu quả” của tình trạng mất nước, nôn ói, và co giật.
- Bảo vệ con từ khi còn nằm trong bụng mẹ: Nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ viêm nhiễm, hoặc những bệnh phụ khoa trong thời gian mang thai.
- Sau khi sinh, mẹ nên thường xuyên theo dõi biểu hiện của trẻ để có thể kịp thời phát hiện bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho bé.
- Khi chăm sóc trẻ, nhất và khi vệ sinh rốn cho bé, mẹ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn