Trứng là loại thực phẩm bổ dưỡng và quen thuộc trong chế độ dinh dưỡng từ lúc bé mới tập ăn dặm cho tới khi trưởng thành. Tuy nhiên, để cho bé ăn trứng đúng cách và có thể tận dụng tối đa những dưỡng chất từ các loại trứng thì không phải mẹ nào cũng biết






Với hàm lượng protein, các loại vitamin và khoáng chất dồi dào, trứng được xếp vào danh sách những thực phẩm “vạn năng”, có thể xuất hiện trong chế độ dinh dưỡng của bé ngay từ lúc mới ăn dặm đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, mẹ có biết, trong các loại trứng, trứng nào có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất? Hay mẹ nên cho bé ăn như thế nào để hấp thu tốt nhất các dưỡng chất từ trứng? Tìm hiểu ngay những thông tin sau đây mẹ nhé!
1/ Cho bé ăn trứng tùy theo độ tuổi
Trứng là thực phẩm quen thuộc và rất lành tính, có thể phù hợp với những bé đang trong thời kỳ ăn dặm, trẻ mẫu giáo hay những bé lớn. Tuy nhiên, tùy theo từng độ tuổi, lượng trứng bé có thể tiêu thụ sẽ có một chút khác nhau. Mẹ nên tham khảo liều lượng chuẩn phù hợp cho bé trong từng độ tuổi khác nhau dưới đây để tránh trường hợp “quá liều” cho bé nhé!
- Từ 6-7 tháng tuổi: Bé chỉ có thể ăn lòng đỏ trứng, và không thể ăn quá 2-3 lần một tuần, mỗi tuần không được ăn quá 1/2 lòng đỏ trứng.
- Từ 8-12 tháng tuổi: Không chỉ một nửa, tại thời điểm này bé đã có thể ăn hết cả một lòng đỏ trứng gà cho mỗi bữa. Mặc dù con đã “lên cấp”, nhưng mẹ cũng hạn chế, chỉ nên cho bé ăn trứng 3,4 lần một tuần thôi nhé!
- Trên 1 tuổi: 3-4 trái trứng mỗi tuần đã không còn là vấn đề lớn với trẻ. Tất nhiên, giờ thì cả lòng trắng bé cũng có thể “chén” một cách ngon lành rồi.
Trứng gà còn có nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega 3 rất cần thiết cho sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ
Trong khi lòng đỏ trứng có nhiều dưỡng chất tốt cho trí não của trẻ như cholin, vitamin B12, vitamin A… , thì lòng trắng trứng cũng “không chịu thua kém” với hàm lượng protein khá cao và nhiều dưỡng chất lòng đỏ bị thiếu như vitamin B2, B6, B9… Nếu nhiều người xem lòng đỏ là thức ăn cho não của trẻ thì lòng trắng là yếu tố cần thiết cho quá trình tăng trưởng tế bào và phát triển hệ xương, răng của bé. Vì vậy, khi bé đủ tuổi, mẹ nên cho bé ăn cả lòng đỏ lẫn lòng trắng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.



Dù bé có “thiên vị” bên nào hơn nhưng mẹ cũng nên khuyến khích bé ăn đủ cả lòng đỏ lẫn lòng trắng nhé!
2/ So lợi hại giữa các loại trứng
- Trứng gà: So với các loại trứng khác, trứng gà quen thuộc và phổ biến hơn cả. Ngoài những dưỡng chất chung, theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng vitamin A trong trứng gà thuộc dạng cao nhất. Đặc biệt, trứng gà cũng là một trong số ít những loại thực phẩm có chứa vitamin D.
- Trứng vịt: Chứa nhiều chất dinh dưỡng tương tự trứng gà, nhưng trứng vịt không bổ sung vitamin D, và cũng khó tiêu hơn trứng gà. Vì vậy, trứng vịt không thích hợp để bé ăn nhiều lần, nhất là ăn vào buổi tối.
- Trứng cút: Nhỏ nhắn, nhưng không kém phần “lợi hại”. Không chỉ hàm lượng dinh dưỡng tương đương với trứng gà và trứng vịt, hàm lượng mỡ phốt phát có trong trứng cút còn đặc biệt có ích cho sự phát triển não của bé.
- Trứng bách thảo: Trung bình, mỗi một quả trứng bách thảo 50 gr sẽ chứa khoảng 50 mg chì, vượt quá lượng chì có trẻ có thể hấp thu trong một ngày. Cho bé ăn trứng bách thảo có thể dẫn đến những ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như chậm phát triển, thiếu máu, thiếu tập trung, cản trở quá trình trao đổi chất…
- Trứng vịt lộn: Tuy chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin A, protein, canxi, phốt pho… nhưng hàm lượng dinh dưỡng của trứng vịt lộn vượt quá nhu cầu cần thiết của một đứa trẻ dưới 5 tuổi. Thậm chí, nếu cho bé ăn trứng vịt lộn, bé có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Trứng vịt lộn chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất, là thực phẩm "vàng" mẹ nào cũng muốn thêm vào chế độ dinh dưỡng cho bé cưng nhà mình. Tuy nhiên, chưa chắc bé cưng đã đủ tuổi để thử món này đâu mẹ ơi!
3/ Lưu ý khi cho bé ăn trứng
- Với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, mẹ không nên cho bé ăn trứng sống hoặc trứng chưa được nấu chín kỹ để tránh những trường hợp ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa.
- Nếu làm món trứng chiên cho bé, mẹ nên sử dụng lửa nhỏ. Tuy hơi mất thời gian hơn một chút, nhưng cách này vừa hạn chế làm vitamin B “bay hơi” vừa tiêu diệt được hết những vi khuẩn có trong trứng.
- Nếu luộc trứng, không nên cho trứng vào khi nước còn lạnh mà nên để nước sôi mới cho trứng vào để tránh tình trạng trứng bị nứt.
- Với những bé trên 5 tuổi, không nên cho bé ăn trứng vịt lộn vào buổi tối cũng như không nên cho bé ăn quá 1 trứng/ ngày. Ngoài ra, không nên cho bé ăn trứng vịt lộn kết hợp với những thực phẩm giàu vitamin A khác.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn