Những chỉ số phát triển quan trọng là những chỉ số biểu hiện cho sự phát triển thể chất, trí thông minh của trẻ. Không phải bất cứ đứa trẻ nào, ở bất cứ giai đoạn nào cũng có sự tăng trưởng giống nhau nên mẹ cũng nên biết "biểu đồ tăng trưởng này" để hiểu về sự phát triển của con.








Chỉ số cân nặng
Thường thì bé sơ sinh trong ba tháng đầu tiên sẽ phát triển cân nặng nhanh nhất, khoảng tăng 600-1.000 gram/tháng (có bé tăng gần 2 ký trong tháng đầu dù chỉ bú sữa mẹ). Cân nặng chuẩn là từ 600 gram/tháng trong 3 tháng đầu, tăng nhiều quá hay ít quá đều không tốt.

Giai đoạn 3-6 tháng, bé sẽ tăng mỗi tháng 600-800 gram. Giai đoạn 6 đến 12 tháng mức tăng trung bình hàng tháng là 300 gram. Khi trẻ đạt 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng chậm sẽ lại đáng kể. Trung bình trẻ 1 đến 3 tuổi chỉ tăng khoảng 150 gram mỗi tháng nhưng cũng có bé chững lại không tăng lạng nào trong suốt nhiều tháng, nhưng nếu bé vẫn phát triển chiều cao và ăn uống tốt thì vẫn bình thường.

Sau 3 tuổi, mẹ có thể tính chỉ số cân nặng chuẩn của bé theo công thức: cân nặng (kg) = tuổi (năm) x 2 +7 (hoặc 8). Trọng lượng là chỉ số quan trọng và nhạy cảm nhất phản ánh sự tăng trưởng và phát triển của bé. Cân nặng sẽ phản ánh tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, lượng thức ăn trẻ ăn… Những em bé không đạt được chỉ số cân nặng này sẽ có dấu hiệu còi, suy dinh dưỡng. Do đó, dựa vào chỉ số cân nặng của bé, mẹ có thể xem lại khẩu phần của bé.

Chỉ số chiều cao
Ngoài chỉ số cân nặng, thì chiều cao cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Khác với cân nặng, chỉ số chiều cao phản ánh tình trạng dinh dưỡng, tăng trưởng và phát triển lâu dài chứ không theo từng giai đoạn ngắn. Các mẹ cũng biết, chiều cao của trẻ phát triển nhanh nhất trong năm đầu tiên sau khi sinh. Tính trung bình một em bé bình thường năm đầu tăng tăng 25 cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng từ 4-7,5 cm. Như vậy có nghĩa là mỗi bé khi sinh có chiều dài 50 thì 1 tuổi tối thiểu phải cao 75cm, qua 2 tuổi tối thiểu bé phải cao 85cm, từ 3 tuổi trở lên bé sẽ cao 90cm trở lên.

Có những bé tăng trưởng chiều cao rất tốt do chế độ dinh dưỡng, do gen cha mẹ... nhưng cũng có bé không đạt được các chỉ số chiều cao này, điều đó cho thấy bé có dấu hiệu của việc chậm phát triển thể chất.

Chu vi vòng đầu
Thường thì cha mẹ hay để ý đến cân nặng, chiều cao hơn là chỉ số chu vi vòng đầu. Tuy nhiên, chu vi vòng đầu là một chỉ số quan trọng thể hiện mức độ phát triển não bộ của trẻ. Cũng như cân nặng và chiều cao, chu vi vòng đầu trong năm đầu tiên của bé sau khi sinh phát triển nhanh nhất. Trung bình khi sinh chu vi đầu của trẻ sẽ là 34cm, 1 tuổi đạt trung bình 46cm; năm thứ 2 tăng 2cm, năm thứ 3 tăng 1 ~ 2cm. Chu vi vòng đầu khi trẻ đạt 3 tuổi trung bình sẽ là 48cm, và từ đó đến khi trưởng thành sẽ không có nhiều sự khác biệt.

Dĩ nhiên không phải cứ đầu to là bé sẽ thông minh, thậm chí đầu to quá mức còn là biểu hiện của trường hợp u não, não úng thủy. Nhưng nếu trẻ không đạt chu vi vòng đầu theo những chỉ số trên cần được cân nhắc về tình trạng suy dinh dưỡng. Tốt nhất, chu vi vòng đầu của trẻ nên ở trong phạm vi bình thường, không nên quá nhỏ, cũng không nên to bất thường.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn