Bướng bỉnh không phải là đặc thù tính cách của trẻ tuổi chập chững biết đi, mà tính cách này đã được “cộng thêm” trong quá trình học hỏi của trẻ khi “liên kết” với cách dạy dỗ của cha mẹ. Chúng tôi mời các bạn xem cách mà chị Thu Lệ, mẹ của Tít, một cậu bé 5 tuổi chia sẻ lại quá trình "thuần hoá" tính bướng bỉnh của Tít như sau:






Thứ nhất, hãy nghiêm khắc:

Hãy cứng rắn và nghiêm khắc với trẻ. Nếu bạn luôn dễ dãi với trẻ, trẻ sẽ được đà và không coi lời nó của bố mẹ là có trọng lượng. Tất nhiên vì thế trẻ sẽ càng thêm bướng bỉnh và không nghe lời. Đôi khi bạn cũng cần đến những hình phạt để trẻ hiểu rằng mọi thứ đều có giới hạn.

Ví dụ, khi mình nói : Đã đến giờ đi ngủ, con hãy tắt ti vi và đi đánh răng. Tít vẫn giả vờ như không nghe thấy gì. Mình nhắc lại lần nữa và con bắt đầu xin phép "5 phút nữa mẹ nhé!". Mình chờ hết 5 phút, tắt tivi và nói " Đã hết 5 phút". Và cho dù Tít có năn nỉ cũng không đồng ý. Mệnh lệnh, "không" là "không" chứ không đừng là "có" hay "tiếp tục". Với trẻ bướng bỉnh nghiêm khắc rất quan trọng.

Thứ hai, hãy kiên nhẫn

Nếu bạn muốn con làm điều gì đó, hãy đưa ra yêu cầu khi con đang rảnh rang, sẵn sàng giúp bạn. Bố mẹ cũng nên tránh “chen ngang” việc mình muốn con làm khi chúng đang mải miết với những vấn đề riêng mình.

Bất cứ việc gì bạn muốn con làm mà khiến trẻ bị gián đoạn chắc chắn chúng sẽ khiến bạn nổi điên vì không thèm để tâm đến việc bạn yêu cầu. Trong trường hợp bạn có việc gấp, hãy nói cho con biết để trẻ hiểu rằng giúp mẹ lúc này là quan trọng hơn. Còn ngược lại, nếu bạn dứt khoát ép trẻ bằng lời ra lệnh thì sẽ đẩy hành vi bướng bỉnh của mình trở nên trầm trọng hơn.

Ví dụ: sắp đến giờ ăn cơm nhưng Tít vẫn mải ngồi xếp hình chưa cất dọn đồ, hãy để con ghép xong mảnh ghép cuối rồi nói: Con cất dọn đồ chơi rồi chuẩn bị sắp mâm cùng mẹ nào. Kiên nhẫn chờ một chút nhưng Tít sẽ ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh.

Thứ ba, hãy hiểu nhu cầu của bé

Bé còn nhỏ tuổi nhưng không phải là không có tâm tư và nhu cầu riêng. Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của bé trong một vài trường hợp sẽ thấy ngay là bé không thích bị ép buộc nhiều, không thích làm những điều mà mình không muốn.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên lắng nghe và hiểu rõ tâm tư của bé, mạnh dạn cho bé làm theo ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của người lớn. Sau đó phân tích cho bé thấy nếu biết vâng lời cha mẹ, kết quả sẽ tốt hơn. Khi muốn bé làm gì, cha mẹ cũng cần giải thích tại sao muốn bé làm điều đó để bé tự giác hơn.

Thứ tư, đưa ra thông tin rõ ràng, cụ thể

Rất nhiều cha mẹ khi yêu cầu con đi rửa tay để vào ăn cơm thường nói: “ Đánh răng rồi vào đi ngủ đi con”, "Đánh răng để đi ngủ nào con”, “Đánnh răng đi con nếu không mẹ đánh đấy”… Cứ vài phút bạn lại đưa ra các thông điệp như vậy. Điều này khiến bé nghĩ: kệ, mẹ chỉ dọa thôi, điều đó không quan trọng.

Từ đó, bé chẳng cần quan tâm đến lời nói của bạn nữa. Vì vậy, muốn con thực hiện yêu cầu, hãy đưa thông tin rõ ràng, cụ thể và quan trọng nhất là dứt khoát chứ không phải nói nhiều.

Thứ năm, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con

Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Trẻ sẽ hình thành thói quen “yêu cầu gì là được ngay” và phản ứng tức giận, la hét… một khi chúng không được đáp ứng. Chính vì vậy, bỏ qua những nhu cầu bất hợp lý của con có thể là một chiến lược hữu ích.

Ngoài ra, có những trẻ thường hành động bướng bỉnh bởi vì chúng thèm được sự chú ý, quan tâm của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ nên làm thế nào để trẻ nhận thấy được cha mẹ yêu thương và quan tâm.

Nếu bé muốn được mua một món đồ nào đó ở siêu thị, đừng vội trả lời không, hãy phớt lờ và nói sang chuyện khác. Nếu bạn nói không, sẽ là cơ hội để bé mè nheo nhõng nhẽo và bướng bỉnh đòi mua bằng được. Hãy coi như chưa nghe thấy yêu cầu của trẻ và chuyển câu chuyện sang hướng khác. Trẻ con thườn thiếu tính kiên nhẫn nên sẽ không đòi hỏi nữa.

Thứ sáu, có thưởng có phạt

Nếu bé không nghe lời, bạn có hình phạt cho bé nhưng nếu bé ngoan ngoãn tự giác thì bạn cũng nên có hình thức khen thưởng động viên bé. Những việc này tưởng đơn giản nhưng lại có tác động tích cực tới bé rất nhiều nếu thường xuyên được xảy ra với bé. Bé sẽ hiểu ta vấn đề: nếu biết nghe lời sẽ có lợi hơn là bướng bỉnh, thích làm theo ý mình.

Khen thưởng thường là: cho phép bé được xem bộ phim hoạt hình yêu thích, được cho đi công viên, được mua truyện hay một món đồ chơi mới,... Khi thưởng hay khen ngợi cũng nên nói rõ để con hiêu vì sao con lại được như vậy.

Hình phạt có thể là: cuối tuần không được đi chơi, không được xem tivi trong hai ngày, đứng úp mặt vào tường để suy nghĩ việc đã làm…

Và khi bị phạt bé cũng cần được biết lý do bị phạt là gì. Ngay lúc này cha mẹ không nên quát mắng hay đánh bé, đặc biệt trước mặt người lạ, vì bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tự ti rất nhiều.

Với trẻ bướng bỉnh cần nhất là sự phối hợp dạy dỗ của các bậc phụ huynh trong nhà đặc biệt với những gia đình có ông bà ở cùng. Cần có sự trao đổi để thống nhất trong các nguyên tắc ứng xử với con để tránh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" khiến trẻ càng ngày bướng bỉnh khó uốn nắn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần phải có thái độ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc và kiên nhẫn trong quá trình dạy bé mới mong bé thay đổi trở nên biết nghe lời và ngoan ngoãn hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn