Trẻ sơ sinh xuất hiện với một làn da không hề hoàn hảo như trong tưởng tượng của các bà mẹ trẻ, da của trẻ nhăn, khô, đỏ và còn có cả lông tơ. Tuy nhiên, theo sự biến đổi để thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ, các khiếm khuyết ở làn da của trẻ sẽ biến mất trong vòng vài tuần.






1. Da trẻ rất nhạy cảm

Da trẻ cực kỳ nhạy cảm, mẹ không nên dùng mỹ phẩm trong tháng đầu tiên sinh con, dù đó có là kem dưỡng da đi chăng nữa. Nếu mẹ bắt đầu dùng mỹ phẩm, hãy chắc chắn đó là những sản phẩm an toàn với da nhạy cảm và da trẻ sơ sinh. Các sản phẩm dành cho người lớn có thể chứa thuốc nhuộm, nước hoa, cồn, chất tẩy rửa và các hóa chất có thể làm tổn thương làn da của trẻ sơ sinh.
Những người đến thăm bà đẻ cũng vậy, nếu có sử dụng mỹ phẩm không nên tùy tiện bế và tiếp xúc với làn da của trẻ.

2. Vết bớt

Trên da mặt hoặc cổ trẻ có thể xuất hiện có đốm đỏ nhỏ, đó là do mạch máu chưa hoàn thiện. Khi con khóc, những vết đốm này có thể sẽ sáng hơn nhưng chúng không có gì nguy hiểm cả và sẽ biến mất trong vòng một năm.
Quá trình sinh nở có thể gây ra các vết trầy xước nhỏ trên da trẻ và sẽ hết trong vòng vài tuần.

3. Không cần tắm thường xuyên cho trẻ

Trẻ sơ sinh không cần tắm hằng ngày, trong vài tuần đầu tiên, mẹ chỉ cần giữ cho con sạch sẽ, đặc biệt là sau khi thay tã bẩn là được. Trước khi con tròn 1 tháng, chỉ cần cách 2-3 ngày tắm con một lần là được, tắm quá nhiều sẽ làm da trẻ bị khô.

4. Cuống rốn

Cho đến khi cuống rốn rụng xuống, hãy giữ nó luôn khô ráo, đặc biệt là khi tắm cho con. Một số trường hợp cuống rốn có thể chảy chút máu, điều này không đáng lo ngại, chỉ cần mẹ giữ cho khu vực xung quanh luôn sạch sẽ là được. Nếu cuống rốn bị đỏ hoặc mưng mủ, hãy nói với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

5. Lưu ý khi tắm

Hãy luôn nhớ rằng, làn da của con rất mềm mại và nhạy cảm. Mẹ chỉ cần cho nước vào thau/bồn tắm khoảng 7-10cm, kiểm tra nước bằng tay để chắc chắn nước không quá nóng với con. Cho con nằm trong thau nước ấm khoảng 3-5 phút. Nếu sử dụng kem dưỡng da, hãy thoa kem khi da bé còn ướt, sau đó dùng khăn thấm khô nước, không lau mạnh tay để tránh tổn thương da trẻ.

6. Tóc

Trên 1 tháng tuổi, con đã có tóc, con chỉ cần gội 1-2 lần/tuần là đủ. Hãy lưu ý không để nước và dầu gội rơi vào mắt trẻ.

7. Hăm tã

Tã ướt và bẩn có thể gây kích ứng da trẻ sơ sinh, khiến con bị hăm tã. Để giúp ngăn ngừa hăm tã, kiểm tra và thay tã cho bé thường xuyên. Khi thay tã, nhẹ nhàng lau em bé sạch sẽ và vỗ cho khô. Với bé gái, lau theo chiều từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng. Một số loại kem chống hăm có thể giúp bảo vệ bé khỏi hăm tã. Hãy cố gắng cho con ít mặc tã hơn để da được thoáng.

8. Phát ban

Khi thấy con có những dấu hiệu nguy hiểm sau, bạn cần gọi bác sĩ ngay: phát ban, ngứa, xuất hiện mụn, nốt đỏ hoặc tím, bé bị sốt...
Eczema là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng phát ban ngứa ở trẻ sơ sinh. Nhưng em bé cũng có thể bị lây nhiễm các bệnh ngoài da như thủy đậu, sởi, tay chân miệng, ghẻ và chốc lở.

9. Tránh kích thích da bé

Để bảo vệ da bé, mẹ nhớ sử dụng loại sản phẩm giặt tẩy nhẹ nhàng đối với quần áo của bé, quần áo của mẹ, khăn, chăn và cả ga giường. Những vật này có thể tiếp xúc với da bé, do đó, chúng càng mềm mại thì da bé càng ít khả năng bị kích ứng.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn