Chảy máu cam (chảy máu mũi) rất hiếm thấy ở trẻ dưới 1 tuổi nhưng lại hay thấy ở trẻ 2-3 tuổi trở đi, đến sau tuổi dậy thì lại càng ít gặp hơn.








Con trai tôi 5 tuổi, từ khi sinh cháu phát triển bình thường, nhưng gần đây thỉnh thoảng cháu bị chảy máu cam (mặc dù mỗi lần chảy không nhiều và tự hết) nhưng tôi rất lo. Xin hỏi vì sao trẻ bị chảy máu cam?
Nguyễn Văn Bình (binhnguyen@yahoo.com)
Chảy máu cam (chảy máu mũi) rất hiếm thấy ở trẻ dưới 1 tuổi nhưng lại hay thấy ở trẻ 2-3 tuổi trở đi, đến sau tuổi dậy thì lại càng ít gặp hơn. Có nhiều yếu tố thuận lợi có thể đưa đến chảy máu cam: viêm mũi, dị vật trong mũi, polyp mũi, chấn thương từ bên ngoài hoặc ngoáy mũi hay hỉ mũi quá mạnh; VA phì đại hay kèm sung huyết thì cũng có thể sinh ra chảy máu cam. Những trường hợp hiếm gặp hơn là giãn các tĩnh mạch nhỏ ở niêm mạc vách mũi có kèm theo ổ loét sẽ gây chảy máu cam tái phát nhiều đợt; Một sự kích động về tinh thần quá mức, một vận động thể lực quá sức trẻ có sẵn tổn thương ở mũi cũng có thể sinh ra chảy máu cam. Ngoài ra, bất cứ một trường hợp nào làm tăng huyết áp như trong một bệnh về tim mạch, bệnh về thận, thậm chí có một xúc cảm mãnh liệt cũng có thể bị chảy máu cam. Chảy máu mũi có thể xuất hiện trên một bệnh nhân dễ chảy máu. Chảy máu cam nếu kèm theo sốt cao đột ngột phải nghĩ tới triệu chứng sớm của một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như sởi, cúm, sốt xuất huyết và cần được thầy thuốc theo dõi. Vấn đề là cần biết cách xử lý khi trẻ chảy máu cam. Trước hết, nên đặt đứa trẻ nằm nghỉ hoàn toàn, chườm đá lên trán nếu có điều kiện, hoặc dùng một khăn lạnh chườm lên trán để gây một phản xạ co mạch làm đình chỉ hiện tượng chảy máu mũi. Hoặc dùng tay ép nhẹ hai cánh mũi vào nhau vài phút máu sẽ hết chảy. Bạn nên cho con đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và tư vấn cách điều trị hiệu quả.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn