Ở giai đoạn đầu của bệnh tự kỉ, mẹ rất khó có thể nhận ra vì nghĩ rằng đó là một chút cá tính đặc biệt của con. Thậm chí, con còn thể hiện sự thông minh hơn hẳn trẻ bình thường. Hãy tham khảo một số dấu hiệu sau để nhận biết và chữa trị ngay khi bệnh bắt đầu mẹ nhé!





1. Trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ

Phần lớn trẻ bị tự kỷ thường ít bập bẹ nói trong năm đầu tiên, thậm chí gần như cấm nín đến khi trẻ được 5 tuổi; Trẻ có nói nhưng nói ít hoặc nói những câu đơn giản, vô nghĩa, không liên quan đến sự vật hiện tượng xung quanh, phần lớn nhại lại lời nói của người khác, không nhấn giọng, không biểu lộ cảm xúc, thể hiện vốn từ ít ỏi, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ rất hạn chế.

2. Trẻ khó giao tiếp

Trẻ sử dụng những từ riêng, ngôn ngữ riêng theo lối tưởng tượng riêng mà người khác không thể hiểu được chúng đang nói gì; Trẻ không hiểu được lời người khác và không biết cách thể hiện suy nghĩ của chính mình; Khi giao tiếp trẻ không nhìn thằng vào mắt người khác;Khi được hỏi nhiều câu hỏi, trẻ không biết cách trả lời và nhại lại câu hỏi.

3. Trẻ bị rối loạn trong vận động

Các mốc chuyển tiếp trong quá trình phát triển vận động của trẻ tự kỷ có thể bị chậm trễ hơn các trẻ bình thường. Các em thường gặp khó khăn trong việc bắt chước các động tác. Nhiều trẻ rất hiếu động, nhưng sẽ giảm bớt khi đến tuổi thiếu niên. Trẻ hay nhăn nhó, vỗ đập cánh tay, xoắn vặn bàn tay, đi nhón gót, chạy chúi đầu về phía trước, nhảy, đi đều bước, lắc lư hoặc đu đưa thân mình, xoay đầu hoặc đập đầu xuống đất, vào tường.

Một số trẻ có trạng thái căng cơ khi phấn khích hoặc khi quá chăm chú.

4. Trẻ bị rối loạn về mặt cảm xúc

Trạng thái cảm xúc của trẻ không cân băng, thường im lặng, buồn rầu quá hoặc phấn khích, la hét quá mức. Cũng có thể, chỉ một chuyện nhỏ nhưng trẻ đã nổi giận và la hét ầm ĩ. Lại có lúc ngồi im lặng nửa ngày và không muốn tró chuyện, giao tiếp với ai.



Dấu hiệu trẻ tự kỉ qua từng giai đoạn

Mới sinh đến 6 tháng tuổi:
- Dễ nổi giận, dễ trầm cảm.
- Không với lấy đồ vật khi đưa trước mặt trẻ.
- Không có những âm thanh bi bô.
- Thiếu nụ cười giao tiếp.
- Thiếu giao tiếp bằng mắt.
- Không có phản ứng khi được kích thích.
- Phát triển vận động có thể bình thường.

Từ 6 – 24 tháng:
- Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm.
- Không thân thiện với cha mẹ.
- Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.
- Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “Bye-bye”).
- Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ.
- Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em.
- Thích nhìn ngắm các bàn tay của mình.
- Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng.
- Thích đi kiễng chân – đi bằng 5 đầu ngón chân.
- Thường phát ra các âm thanh vô nghĩa.

Từ 2 đến 3 tuổi:
- Thích chơi một mình, không kết bạn, tránh giao tiếp.
- Không nói được từ có 2 tiếng trở lên khi đã 2 tuổi.
- Thích xem sách, tạp chí, các nhãn mác và logo quảng cáo.
- Coi người khác như một công cụ – kéo tay người khác khi muốn yêu cầu.
- Chưa biết dùng ngón trỏ để chỉ điều trẻ muốn.
- Sử dụng đồ chơi không thích hợp.
- Không có nỗi sợ giống trẻ bình thường, đồng thời có những hoảng sợ một cách vô cớ.
- Không hợp tác với sự chỉ dẫn, dạy bảo của người lớn.
- Không biết gật đầu đồng ý và lắc đầu không đồng ý.
- Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.
- Không đoán biết được những nguy hiểm.
- Thích ngửi hay liếm đồ vật.
- Thích chạy vòng vòng, xoay vòng vòng và quay các loại bánh xe.
- Ngưng nói ở bất cứ tuổi nào, dù trước đó đã biết nói.

Từ 4 đến 5 tuổi:
- Trẻ bị chậm nói, nếu có ngôn ngữ phát triển, có thể có chứng nhại lời (lặp lại theo kiểu -đọc vẹt những gì người khác nói).
- Có vẻ rất nhớ đường đi và địa điểm.
- Thích các con số và thích đọc tiếng nước ngoài.
- Rất tốt khi thao tác các sản phẩm điện tử.
- Thích nhìn nghiêng hay liếc mắt khi ngắm nghía đồ vật.
- Không biết chơi tưởng tượng, chơi giả vờ, chơi đóng vai.
- Giọng nói kỳ cục (chẳng hạn như cách nói nhấn giọng hay đơn điệu).
- Rất khó chịu khi thay đổi thói quen hàng ngày.
- Giao tiếp mắt vẫn còn hạn chế, dù có thể đã có một số cải thiện.
- Tương tác với người khác gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế.
- Các cơn giận và sự gây hấn vẫn tồn tại nhưng có thể dần dần cải thiện.
- Tự làm tổn thương mình.
- Tự kích động.







Nguồn SKĐS




Theo bau.vn