Những sai lầm khi cho bé ăn dặm là những sai lầm thông thường mà cha mẹ dễ mắc phải. Vì vậy, rất nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng do cha mẹ cho ăn dặm không đúng về lượng và chất. Không ít bậc cha mẹ thắc mắc tại sao con mãi không tăng cân, trong khi họ đã dành rất nhiều thời gian chế biến và liên tục đổi món để làm mới thực đơn của bé.






Những sai lầm khi cho bé ăndặm thường gặp sau đây:

1. Chọn thời điểm cho bé ăn dặm không hợp lý
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.
Sai lầm của nhiều phụ huynh là cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm có thể bắt đầu. Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi: do hệ men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, trẻ sẽ bị khó tiêu, gây nên tình trạng ít bú mẹ.

2. Ép trẻ ăn quá nhiều
Sức chứa của dạ dày trẻ nhỏ hơn người lớn 5 lần nhưng mẹ lại có thói quen ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Hậu quả là bé khó tiêu, biếng ăn và chậm lớn dù lượng thức ăn vẫn đưa vào đều đặn nhưng không được hấp thụ.

3. Quá ưu tiên đạm
Nhiều mẹ nấu bột có thói quen cho thật nhiều thịt, cá, trứng,… và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến biếng ăn.

4. Cho bột, cháo xay… vào bình sữa để bé bú
Khi đó, bé sẽ nuốt nhiều hơi vào bụng, làm trẻ mau có cảm giác no, nhưng đây thực ra là no hơi. Bé sẽ dễ bị ói và kết quả là ăn được rất ít. Bạn nên tập cho trẻ ăn bằng chén và muỗng.

5. Nêm gia vị vào thức ăn của bé
Đối với bé dưới 1 tuổi, bạn không nêm càng tốt, vì vị giác của bé tốt hơn người lớn rất nhiều. Chính vì vậy, khi mẹ nêm vừa miệng mình thì có thể sẽ quá mặn hoặc quá ngọt đối với bé. Chưa kể thức ăn mặn sẽ làm tổn thương quả thận còn non yếu của bé.

6. Sử dụng các loại củ thay rau lá
Lượng vitamin C mà củ mang lại không nhiều, trong khi rau lá còn giúp bé bổ sung lượng muối vô cơ rất tốt cho cơ thể. Nếu bé không thích rau, bạn hãy tìm nhiều cách khác nhau để tập, đừng chiều theo ý thích này của bé.

7. Hâm đi hâm lại nồi cháo
Khi hâm đi hâm lại, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi gần hết và cháo có mùi vị khó ăn. Bạn nên nấu một nồi cháo trắng khoảng 3 chén rồi múc ra từng phần vừa ăn để vào tủ lạnh. Khi bé ăn, bạn chỉ cần lấy ra một phần, sau đó bằm thịt (hoặc cá, tôm) và rau rồi nấu sôi trở lại là đã được chén cháo ngon lành.

8. Lạm dụng máy xay sinh tố
Việc xay nhuyễn thức ăn khiến bé quen ăn nát, chỉ cần ăn chút gì hơi lợn cợn là sẽ ói. Do đó, khoảng 8 tháng tuổi, bạn nên đổi qua nấu cháo cho bé ăn, hoặc ăn xen kẽ bột, cháo, nui sao… để bé tập nhai.

9. Đút cho trẻ ăn dặm
Mặc dù khi tự xúc, thức ăn có thể bị trẻ bốc, mút ngón tay, trét lên mặt khiến trẻ dơ dáy… nhưng trẻ được thoải mái, hứng thú trong lúc ăn. Như vậy, trước khi cho bé ăn, bạn phải rửa tay bé, đeo yếm và chuẩn bị vài cái muỗng sạch.

10. Cho bé ăn thường xuyên một loại thức ăn
Khi ấy bé sẽ ngán và ăn ít đi. Bạn nên thay đổi thức ăn thường xuyên cho trẻ và đủ 4 nhóm thức ăn: nhóm Bột - Đạm - Béo - Rau (củ). Mỗi loại thực phẩm sẽ có hương vị khác nhau giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn