Tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh cha mẹ la mắng đứa con nơi công cộng. Đó là khi đứa trẻ tò mò nghịch ngợm vật nào đó, bố mẹ theo sau với câu: “Đừng động vào!”, nửa thì thầm, nửa răn đe.





Đôi khi còn kèm theo một cái giật tay thật mạnh. Hậu quả của những hành động này là ánh nhìn thất vọng của trẻ, có khi rươm rướm nước mắt. Trong khi đó, ông bố bà mẹ có vẻ vừa xấu hổ, vừa bực mình: “Nếu người ta thấy con nghịch ngợm, họ sẽ cho rằng mình làm cha mẹ dở”.



Mỗi lần chứng kiến cảnh đó, tôi đều nao lòng, thấy tội nghiệp cho đứa nhỏ. Tôi xem việc đứa trẻ tò mò cầm nắm, ngắm nghía những thứ xung quanh chúng là việc rất bình thường; ngộ nghĩnh là đằng khác. Việc bố mẹ đặt ưu tiên của mình lên trên niềm vui của con trẻ là điều đáng buồn. Tôi thầm nghĩ, mình thì sẽ làm khác, nhưng không nghĩ cụ thể sẽ làm gì, cũng như không ngờ một ngày nào đó tôi thật sự phải đối mặt với hoàn cảnh ấy. Giờ đây, con bé nhà tôi đã 15 tháng tuổi, chạy long nhong khắp nơi, cầm nắm mọi thứ mà nó có thể với tới. Chúng tôi chở bé đi mua sắm trong siêu thị, và nó thích khám phá xung quanh hơn là ngồi trong xe chở hàng.
Thế là tôi quyết định để “cô công chúa nhỏ” của mình tha hồ du ngoạn và ngắm nghía mọi thứ bé muốn. Cô bé vừa liên tục chạm vào, vừa luôn miệng hỏi những món hàng kỳ thú xung quanh mình là gì. Đối với bé, đi siêu thị như đi vào một thế giới kỳ thú. Khi con bé thích một vật gì, nó cầm vật đó chạy khắp siêu thị. Nhiệm vụ của tôi là mang chúng cất lại chỗ cũ, rồi con bé lại lặp lại toàn bộ chuỗi “trò chơi” này. Ban đầu vợ tôi có vẻ e ngại nhưng trước cảnh con gái vui vẻ khám phá, niềm vui của bé cũng lan sang chúng tôi, làm cho chuyến mua sắm trở nên hào hứng hơn.



Dĩ nhiên tôi cũng đặt ra giới hạn cho con gái và liên tục để mắt đến những gì bé sờ đến. Những thứ dễ vỡ hay nguy hiểm thì vợ chồng tôi phải thuyết phục bé không chạm vào, dù không mấy hiệu quả với một đứa trẻ 15 tháng tuổi, nhưng tôi không muốn la mắng hay giật tay cô bé. Thay vào đó, tôi chỉ vào vật không được chạm vào, cùng lúc lắc đầu nhìn con và nói “không được, không được…”, đủ để bé biết giới hạn của mình.
Lúc đi ngang quầy thuốc, mắt con bé sáng lên khi nhìn thấy những vật nho nhỏ xung quanh. Tôi với lấy một hộp vitamin, lắc lắc tạo ra tiếng kêu lắc rắc và đưa cho con. Con bé toét miệng cười, nhanh chóng bắt đầu trò chơi khám phá xem hộp thuốc khi lắc sẽ tạo ra tiếng gì. Tôi dừng lại để tham gia cùng con. Với lấy hai ba hộp thuốc cùng lúc, con bé liên tục lắc chúng trong khi nhìn tôi, mặt sáng ngời. Với tôi, đây là thời khắc quý báu. Tôi ngồi xuống cùng con và tham gia lắc các hộp thuốc. Con bé hiểu nó không làm điều gì sai và tôi cũng thích thú với trò chơi này.
Tôi cũng hơi ngại không biết liệu có ánh mắt nào chê trách ông bố và đứa con nghịch ngợm. Nhưng tôi sẵn sàng gạt đi những ánh mắt như thế. Lúc sau, một cặp vợ chồng già đi ngang bố con chúng tôi. Họ dừng lại một chút, người vợ thốt lên: “Ôi…” có phần ấm áp. Ngước lên, tôi bắt gặp ánh mắt họ, ánh nhìn mà chỉ những ông bà có cháu mới có thể toát ra. Tôi biết họ đang mỉm cười, với sự âu yếm tỏa ra từ ánh mắt

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn