(bau.vn) Quấy khóc thường thấy ở trẻ sơ sinh. Tạp chí Nghệ thuật làm cha mẹ (Parenting - Mỹ), vừa cung cấp một số thông tin bổ ích xung quanh hiện tượng này, nhằm giúp các mẹ chăm sóc và nuôi dạy em bé tốt hơn.







Vì sao bé khóc?

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng, khi trẻ khóc thì ắt phải có nguyên nhân nào đó khiến bé chưa được hài lòng. Ví dụ, khóc vào buổi sáng sớm thường là do đói và một khi nguyện vọng này được đáp ứng, trẻ sẽ nín ngay. Đây cũng là một trong những lý do thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Thực tế, do còn quá nhỏ nên trẻ không biết cách biểu đạt bằng ngôn ngữ nên khóc là hành động duy nhất để đòi ăn. Để thỏa mãn những nhu cầu này, cách tốt nhất là bạn nên cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Sữa mẹ luôn được xem là nguồn thức ăn tốt nhất, bởi không chỉ cung cấp nguồn thức ăn mà còn là chất xúc tác tăng tình mẫu tử, tạo cảm giác được yêu thương. Thậm chí khi được bú mẹ no, bé có thể cười được ngay. Các nguyên nhân khác khiến trẻ khóc phải kể đến như những chấn thương ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể (ngã, vật cứng rơi vào đầu, chảy máu, côn trùng, động vật cắn, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, tã lót hăm gây khó chịu...). Trẻ sinh non thiếu tháng hoặc phải chăm sóc trong lồng kính có sức khỏe, thể chất yếu dễ mắc tật khóc nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn có lý do liên quan đến quá trình phát triển như khi mọc răng hoặc chuyển sang giai đoạn phát triển mới, do căng thẳng, sợ người lạ xung quanh hoặc do mắc chứng ợ chua (trào ngược dạ dày)... Khi trẻ mọc răng thường gây đau, khó ăn ngủ và thậm chí, mắc chứng rối loạn dạ dày gây tiêu chảy, khóc nhiều về ban đêm. Hiện tượng nhiễm trùng máu (septicemia) cũng là nguyên nhân khiến trẻ sốt và quấy khóc. Cũng có trường hợp, trẻ bị chứng xoắn tinh hoàn gây đau và khóc hoặc các nguyên nhân khách quan tác động như bị vật nặng đè hoặc ép buộc quá mạnh, làm cho máu không lưu thông tới tinh hoàn.
<br style="font-weight: bold;">Hiện tượng khóc về đêm

Trẻ khóc đêm thường khiến cha mẹ khá vất vả khi chăm sóc, nhất là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các chuyên gia ở Viện nghiên cứu Nhi khoa Mỹ cho biết, trẻ dưới 1 tuổi hay quấy khóc ban đêm có nhiều nguyên nhân như đói, khát, tã lót ướt, quá nóng, quá lạnh, ngứa ngáy hoặc do giun kim... Khi đã loại bỏ hết những nguyên nhân trên mà bé vẫn khóc thì cha mẹ phải xét tới khả năng bé bị hoảng sợ, do thiếu vitamin D, vitamin B1 và canxi. Thực tế cho thấy, một số trẻ nhỏ sau khi uống vitamin D và canxi thì hiện tượng trên không còn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp chưa khắc phục được. Nhiều nghiên cứu về Nhi khoa cho thấy, bị suy dinh dưỡng (nhất là thiếu vitamin B1) thường làm cho trẻ giật mình, quấy khóc về ban đêm. Trong thời gian cho con bú, lượng hấp thụ vitamin B1 từ thức ăn của mẹ không đủ, khiến hàm lượng vitamin B1 trong sữa thấp, nên trẻ cũng dễ thiếu nguồn dưỡng chất này. Ngoài ra, hiện tượng khóc về đêm kéo dài, khóc to, quằn quại là có thể do trẻ bị cơn co thắt đường ruột, tạo ra cơn đau bụng dữ dội (thường gọi là bệnh lồng ruột). Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đi khám sớm để chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. Nên tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt chú ý đến vấn đề ánh sáng, không được để trẻ sống trong phòng tối vì ngoài việc thiếu vitamin B1, vitamin D, trẻ còn có thể mắc các bệnh về hô hấp, da liễu do môi trường ẩm thấp. Hàng ngày, nên cho trẻ tắm nắng vào mỗi buổi sáng sớm.
<br style="font-weight: bold;">Một số kinh nghiệm dỗ bé

Hiện tượng khóc ở trẻ sơ sinh về ban đêm (còn gọi là khoác dạ đề) thường gặp ở nhóm dưới 6 tháng tuổi, với đặc thù là khóc dai, kéo dài đến vài ba giờ đồng hồ và lặp lại nhiều lần trong tuần (trên ba lần). Để dỗ trẻ, giới chuyên môn khuyến cáo bạn cần thực hiện những điều sau:

- Cho trẻ bú: Đây là việc làm đầu tiên khi trẻ khóc, có thể bú mẹ hoặc bú bình sữa ấm. Ăn xong, trẻ dễ chịu và nín ngay. Khi no, bạn có thể cho bé dùng vú giả, vừa dễ chịu lại giúp trẻ không “còn miệng” để khóc nữa.

- Tắm nước ấm cho trẻ: Ngâm mình trong nước ấm hay tắm dưới vòi nước ấm kèm theo hương vị cũng giúp bé dễ chịu (nên kết hợp tắm và massage nhẹ nhàng). Tắm xong, cần cho trẻ ăn, tránh bé bị đói trước khi ngủ.

- Âu yếm, nựng trẻ: Trẻ nhỏ rất cần sự yêu thương âu yếm, nên bạn hãy bế ẵm, vuốt nhẹ mặt, xoa đầu... sẽ tạo ra sự gần gũi và làm cho bé có cảm giác an toàn, được bảo vệ và tăng cường mối dây liên kết mẫu tử. Ôm con vào lòng ngủ cũng có tác dụng rất tích cực, nhất là những khi trười lạnh về đêm.

- Kiểm tra tã lót: Tã lót bị bẩn, ẩm ướt cũng là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc. Bạn cần để ý đồng thời, kiểm tra thân nhiệt của bé. Nếu nóng, hãy bỏ bớt áo và nếu lạnh, nên đắp ấm phù hợp cho trẻ.

- Các liệu pháp hỗ trợ khác: Sử dụng âm thanh, lời ru nhẹ nhàng hay tiếng đọc thơ rì rầm, nghe nhạc êm dịu hoặc bế trẻ đi chơi, tiếp xúc với “cảnh mới người mới”… là những cách khác giúp bé hưng phấn và bớt khóc. Tuy nhiên, bạn cần kiên nhẫn, bền bỉ và phải biết chờ đợi. Bởi đến nay, có những bí ẩn liên quan đến tiếng khóc của trẻ mà khoa học vẫn chưa giải mã được. Hết giai đoạn quấy khóc, trẻ sẽ bình thường trở lại.

- Trường hợp trẻ mắc bệnh như sốt, đau bụng, suy dinh dưỡng... thì nhất thiết, bạn phải đưa bé đi khám và điều trị đồng thời những căn bệnh này.



Dịch (Khắc Nam - tạp chí Bầu)


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn