Vẫn biết, điều quý giá nhất trong cuộc sống là sự chân thật. Nhưng có lúc lời nói dối lại trở nên đáng yêu khi đi kèm sự vô tư hồn nhiên của trẻ.





Con bô bô kể chuyện đi siêu thị với ông bà: "Cháu vừa đi siêu thị với chị, nhưng cháu không kể với ông bà là cháu được ăn kem đâu".
Hôm khác, thằng em kể chuyện rất say sưa: "Hôm nay cháu được lên cơ quan mẹ chơi vui lắm..." Thằng anh ở trong bếp chạy sầm sập ra lo lắng nhắc khéo em: "Em không được kể chuyện ăn kẹo mút đâu nhé!". Ông bà không thể không nghe được chuyện bí mật của các chàng.
Dạo này mỗi lần gạ gẫm chị giúp việc đi siêu thị, các bạn ấy không quên tự dặn dò: "Chị ơi, mình đi siêu thị rồi mình đi ăn kem và đừng nói cho bố biết nhé". Bí mật của các "chàng trai" từ phòng trong vọng ra phòng ngoài đến tai ông bố khó tính và bị bố "xạc" cho một trận: "Họng kém lại kéo nhau đi ăn kem, rồi tối về lại ho gà cả đêm".

Vẫn biết, điều quý giá nhất trong cuộc sống là sự chân thật. Nhưng có nhiều lúc, lời nói dối lại trở nên đáng yêu khi đi kèm sự vô tư hồn nhiên trong sáng của đứa trẻ.
Vẫn biết, điều quý giá nhất trong cuộc sống là sự chân thật. Nhưng có nhiều lúc, lời nói dối lại trở nên đáng yêu khi đi kèm sự vô tư hồn nhiên trong sáng của đứa trẻ. Trẻ rất “vô tư” khi thiếu chân thật. Chúng vẫn biết mình đã làm điều gì đó sai trái nhưng chưa biết “mẹo lừa dối”.
Hãy nhìn ở khía cạnh tích cực của việc nói dối, để nói dối, trẻ phải có khả năng đồng cảm cao hơn những trẻ khác. Trẻ phải cảm nhận được cảm xúc của những người xung quanh, cái nhăn mặt của bố, cái nhíu mày của mẹ khi biết "sự thật" là các nhóc bí mật ăn kem chẳng hạn. Phải chăng nói dối là khả năng giao tiếp cao hơn nói thật một bậc ở trẻ? Để nói dối, trẻ phải nhận biết sự thật, hậu quả của việc nói ra sự thật.
Chân thật, công bằng, cảm thông, yêu thương và tự tin, sống trách nhiệm… là các giá trị sống mà cha mẹ nào cũng muốn con cái hướng tới. Nhưng cuộc đời thật thì không giống như giấc mơ và không phải lúc nào mọi thứ cũng đến như mình mong muốn. Trên chặng đường mẹ con mình đi qua, mẹ cũng không thể cam đoan là mẹ sống hoàn toàn trung thực, mẹ không phải tấm gương hoàn hảo để con có thể noi theo. Mẹ luôn trao cho con thông điệp “Không có ai hoàn hảo và không điều gì là tuyệt đối”.
Mẹ tin tưởng hoàn toàn vào sự tốt đẹp của lý thuyết sách vở nhưng mẹ cũng thấm thía rất nhiều nhưng bài học cuộc sống, có những tổn thương từ những câu nói thật cứng nhắc.
Mẹ nhớ đến câu chuyện một người sưu tầm tranh già nua mù lòa coi trọng những bức tranh trong bộ sưu tập của mình hơn cả sinh mệnh, hàng ngày vẫn "xem" chúng bằng tâm tưởng, ký ức. Ông lão tội nghiệp không hay biết rằng, chiến tranh đã mang đến cảnh khốn cùng và vợ con ông đã buộc phải bán dần bức tranh để vượt qua khó khăn. Sự thật có thể bị tiết lộ bởi một nhà buôn tranh đột ngột tìm đến hỏi mua vài bức tranh. Nhưng nhà buôn tranh đã hết sức xúc động trước những lời khẩn cầu tha thiết của gia đình ông lão, và đồng ý nhập vai trong một màn kịch. Con người nhân hậu ấy đã làm tất cả để che giấu sự thật, và để giữ cho ông lão niềm tin nguyên vẹn trong trí óc và niềm vui vẫn lấp lánh trong đôi mắt mù lòa.
Đôi khi không phải sự thật mà là những lời nói dối chân thành đã giúp ta sống tốt hơn... Nói dối cũng chỉ là một công cụ, biết dùng đúng lúc thì nó sẽ trở nên hữu ích.
Mẹ không muốn dạy con nói dối. Nhưng mẹ muốn con phân biệt được cả lúc nào nên trung thực, và lúc nào “nói dối” nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương tới người khác. Vì rất đơn giản, cuộc sống đôi khi cũng cần những lời nói dối.
Mẹ nhớ khi còn bé. Mẹ đã hỏi: "Sao mẹ không ăn thịt, mà lại ăn xương?" khi nhìn thấy bà ngoại ngồi gặm lại đống xương gà con gái ăn bỏ ra giữa mâm, bà mỉm cười trả lời nhẹ nhàng: “Chỉ vì mẹ thích”. Sau này đủ trưởng thành, mẹ thấm thía đó là câu nói dối ngọt ngào nhất trong hoàn cảnh gia đình khó khăn lúc bấy giờ. Lời nói dối chứa đựng bao tình yêu thương sâu sắc, sự hy sinh lớn lao của bà ngoại đối với gia đình.
Mẹ muốn con nhìn thấy được nỗi buồn sâu lắng trong đôi mắt của bác hàng xóm đằng sau nụ cười gượng gạo khi con thẳng thắn bảo: "Sao nhà bác vừa chật vừa lắm người thế? Nhà cháu vừa rộng vừa ít người". Mẹ muốn con hiểu làm sao ba thế hệ nhà bác ấy phải sống chen chúc như thế, để con có thể đôi lúc biến thành… pinochio với những lời nói dối vô hại và sẽ không gây tổn thương cho người khác.
Mẹ hay nói với con về những lời nói dối ngọt ngào và sự tổn thương từ những câu nói thật không cảm xúc để con cố gắng thật nhiều, thật nhiều hơn nữa trên bước đường đời.

Những trải nghiệm vốn sống của con sẽ dày lên theo năm tháng và tự nó sẽ tặng con những bài học làm người mềm mại. Đôi lúc con có thể nói dối vô tình một cách vô tư hồn nhiên như trẻ thơ hoặc dùng những lời-không-trung-thực. Nhưng con phải luôn nhớ, tất cả phải xuất phát từ trái tim tràn đầy tình yêu sự chân thành, sự đồng cảm sâu sắc thì đó mới chính là những lời nói dối ngọt ngào. Con nhé!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn