Chơi đùa là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ hình thành thói quen giao tiếp, đồng thời phát triển sự hứng thú với các đồ chơi.





Nguyên tắc khi chơi với trẻ

Tỏ ra vui thích khi cùng trẻ chơi đùa

Quan trọng nhất khi chơi với bé là cha mẹ phải tỏ ra hứng thú. Nếu thấy cha mẹ chơi một cách miễn cưỡng, bé sẽ có suy nghĩ tiêu cực rằng “chẳng lẽ chơi với mình lại chán ngắt như vậy”. Đây là điều hoàn toàn không nên tạo ra trong suy nghĩ của trẻ.

Dịu dàng với bé

Khi bạn hỏi trẻ những câu hỏi đơn giản, nhưng lại quan trọng, trẻ thường không muốn trả lời. Tuy nhiên nếu bạn hỏi trẻ với một giọng dịu dàng và nựng bé: “Con tên là gì? Con bao nhiêu tuổi? Con đang sống ở đâu?”, bé sẽ tỏ ra thích thú khi trả lời về mình.

Khen đúng lúc

Khi trẻ làm được điều tốt đừng ngại ngần khen trẻ. Với những trò chơi phát triển và đồ chơi lắp ráp, bạn hãy tỏ thái độ khuyến khích: “Con giỏi lắm, mẹ đã làm được, con hãy thử làm như mẹ xem. Mẹ rất vui nếu con làm được như mẹ”. Và bạn đừng quên vỗ tay khuyến khích trẻ hành động.

Phát triển trí tưởng tượng ở trẻ


Có rất nhiều định hướng sáng tạo có thể phát triển ở trò chơi nặn hình. Bé sẽ tỏ ra rất thán phục nếu từ một mẩu đất nặn thành hình con cún, và từ con cún lại nặn thành hình cây nấm…

Bạn có thể vận dụng hội họa để dạy trẻ biết cách tưởng tượng. Hãy hỏi xem bé đang vẽ cái gì. Nếu bé không trả lời được, hãy đưa ra những giả thuyết gợi ý cho bé.

Không phân biệt các trò chơi

Không nên phân biệt các trò chơi chỉ dành cho bé gái hay bé trai: búp bê, ôtô hay xếp hình… Tránh bắt các bé trai chỉ được hạn chế chơi các đồ thuộc về kỹ thuật. Lý do là khi chơi búp bê, các bé thường có xu hướng đồng nhất mình với nó. Bé sẽ tưởng tượng khi cho búp bê đi trên ôtô, cho búp bê ngủ hay tắm…

Mang lại cho trẻ niềm vui thích nhất

Ví dụ như trẻ muốn chơi các đồ chơi về ôtô, máy móc, hãy vừa chơi, vừa trò chuyện với trẻ: Ôtô thì như thế nào, nó có thể đi đến đâu. Khi thích chơi một trò nào, bé nhận biết được nhiều hơn về các vấn đề liên quan đến trò chơi đó.

Đồ chơi cần được xếp gọn gàng

Tốt nhất là hình thành thói quen này cho trẻ trước 4-5 tuổi. Khi nào hết giờ chơi, hãy hướng dẫn bé xếp đồ vào giỏ, hộp.

Tạo mong muốn được chơi


Khi bạn mua cho bé một món đồ chơi quá phức tạp hoặc bé không thích, hãy tạm thời đưa nó cho một người bạn hàng xóm của bé, hoặc cất ở một vị trí nào đó mà bé thường nhìn thấy. Chính điều đó sẽ tạo cho bé mong muốn được chơi đồ chơi này.

Đồ chơi phong phú và đa dạng

Các đồ chơi khác nhau có tác dụng giúp bé phát triển toàn diện. Đặc biệt bạn nên chú ý đến các trò chơi liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật, toán học, ngôn ngữ, địa lý. Hãy giúp bé làm quen với những khái niệm bé chưa biết. Tuy nhiên, bạn cần tính đến sự phù hợp của đồ chơi với lứa tuổi của bé.

Trò chơi độc lập


Không nên tỏ ra vội vàng và buồn phiền khi bé không thích tự chơi một mình. Tốt nhất, bạn nên hướng dẫn bé chơi, chắc chắn bé sẽ học được cách chơi, từ đó rèn được tính độc lập.

Lưu ý:

- Giới hạn thời gian tối đa mỗi trò chơi chỉ 5 – 10 phút, quá thời gian đó trẻ sẽ không còn tập trung nữa (trẻ càng nhỏ tuổi thì thơi gian tập trung sẽ càng ngắn hơn).

- Chọn những thời điểm trẻ thoải mái và sẵn sàng để chơi, sau khi tắm hay sau khi ngủ trưa.

- Không quá nhiều, chỉ hai hoặc 3 trò chơi liên tục. Trẻ rất phấn khích mỗi khi chơi và cần được nghỉ ngơi.

- Khi trẻ tỏ ra không hào hứng, hãy dừng trò chơi lại, và sẽ bắt đầu vào lúc khác.

- Đừng sợ sự lặp lại. Đôi khi trẻ chỉ thích một trò chơi thôi, vẫn cứ chơi trò chơi đó với trẻ, đừng e ngại, trẻ thích như vậy.

- Nếu trẻ không thích chơi, đừng buộc tội hay mắng mỏ trẻ.

- Điều quan trọng là biết chia sẻ với trẻ những giây phút vui vẻ. Tô màu một bức tranh, cùng hát một bài hát cũ, đó cũng là cách để xây dựng tình cảm gắn bó giữa bố, mẹ và con.

- Hãy cho trẻ thơi gian để làm quen với những trò chơi mới, và để trẻ sáng tạo, trẻ phát minh ra những trò chơi mới, khi đó bạn hãy chơi cùng trẻ.

Một số trò chơi nên tránh

Một số cha mẹ không lường trước được những động tác nguy hiểm khi chơi với con, gây nên những hậu quả không đáng có. Bạn nên hết sức tránh những trò chơi nguy hiểm khi vui đùa cùng con.

Bạn có thể sáng tạo ra những trò chơi đơn giản, sinh động để cùng chơi với con. Điều này không chỉ giúp bố mẹ và con cái gần gũi với nhau hơn mà còn kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ.

Dưới đây là một số trò chơi bạn nên tránh

Trò chơi tung hứng đi máy bay: Có một số ông bố thích tung con lên cao rồi đỡ lấy, hoặc dỗ con khóc bằng cách dùng tay nâng cổ trẻ, tay kia nâng chân quay vòng như “đi máy bay”.

Những trò chơi này rất nguy hiểm bởi nếu lỡ tay là bé yêu rơi xuống đất, hậu quả khôn lường. Mặt khác còn làm cho trẻ chóng mặt, dễ gây nứt vỡ mạch máu nhỏ trong đại não, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ.

Trò đu đưa: Khi con quấy khóc, nhiều ông bố, bà mẹ thích bế lên đu đưa để trẻ nín khóc.

Cách làm này rất có hại cho con bạn bởi hộp sọ của trẻ rất mềm, chưa phát triển thành thục, tổ chức não còn mềm yếu, rất dễ bị chấn thương. Các mạch máu của não lại rất nhỏ, dễ dàng bị nứt vỡ gây xuất huyết. Đu đưa quá mạnh khiến cho đại não của trẻ luôn bị va chạm với vách trong hộp sọ, làm tổn thương tổ chức não.

Trò cù léc: Để con vui, nhiều người ra sức cù nách, cù gan bàn chân trẻ làm trẻ cười.

Cách “cưỡng bức” trẻ cười này không khoa học và cũng không kém phần nguy hiểm chút nào. Cười to do bị cù cưỡng làm cho áp lực trong bụng trẻ tăng cao, không có lợi cho sức khoẻ. Nếu trẻ vừa ăn cơm, làm thế có thể dẫn tới viêm ruột thừa, lồng ruột, thậm chí tắc ruột. Nếu trẻ còn đang ăn thức ăn, làm vậy sẽ khiến trẻ bị sặc đường hô hấp, có thể tắt thở.




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn