Thời tiết ngày hè oi bức, nhiệt độ cao chính là cơ hội cho vi khuẩn và các dịch bệnh phát triển, nhất là các bệnh về hô hấp và tiêu chảy. Chính vì thế việc chăm sóc bé vào mùa hè là điều khiến mẹ quan tâm nhiều nhất.






1. Tắm cho bé vào mùa hè

Nắng nóng mùa hè làm tăng tiết mồ hôi, có thể dẫn đến nổi mẩn, rôm sảy hay phát ban ở trẻ sơ sinh. Do vậy, việc tắm cho bé cho bé hằng ngày ngoài giúp giữ cho bé được thoải mái, điều hòa thân nhiệt mà còn giúp bé tránh các bệnh lý về da.

Nước tắm là nước ấm và nơi tắm thoáng mát nhưng không quá lộng gió. Khi tắm cho bé cần tắm nhanh, không ngâm bé lâu dưới nước dễ cảm lạnh.

Lưu ý với mẹ rằng không nên tắm quá nhiều lần trong ngày cho bé, vì da bé quá mỏng, việc tắm thường xuyên làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên và độ ẩm, giảm khả năng tự bảo vệ da bé.

Thay vào đó, nếu bé ra nhiều mồ hôi, các mẹ chỉ cần dùng khăn bông lau sạch mồ hôi cho bé,đặc biệt là các vùng cổ, nách, bẹn để hạ nhiệt, có thể dùng thêm phấn để ngăn tình trạng rôm sảy ở trẻ.

Ngoài ra nên thay tã thường xuyên và dùng nước sạch vệ sinh mông và bộ phận sinh dục cho con mẹ nhé.

2. Chọn quần áo phù hợp

Việc đắp nhiều chăn bông, mặc nhiều quần áo cho bé sơ sinh vào mùa hè không những khiến trẻ tiết nhiều mồ hôi dễ gây cảm lạnh hơn mà còn khiến bé khó chịu và hay quấy khóc.

Vì thế, thay vì sợ con non nót mà ủ kỷ các mẹ chỉ cần giữ đủ ấm cho bé là được. Chọn các loại quần áo thoáng mát, có chất liệu dễ thấm hút như cotton nhẹ và dễ thoáng khí. Đừng quên giữ ấm ngực , thóp và gan bàn chân cho bé.

3. Chăm sóc rốn cho cho bé

Sau khi sinh khoảng 5 đến 7 ngày, phần rốn còn lại sẽ bắt đầu khô và rụng. Trước khi rụng, chân rốn chưa khô, chưa thành sẹo nên cần phải chăm sóc hết sức cẩn thận, tránh vi trùng xâm nhập. Đặc biệt, trong những ngày hè nắng nóng, vi trùng vi khuẩn càng có điều kiện thuận lợi để phát triển. Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều.

Nên dùng bông gòn sạch hoặc tăm bông nhúng vào cồn và vệ sinh quanh vùng chân rốn cho bé. Mỗi lượt đi chỉ dùng 1 cây tăm bông/ bông gòn, không dùng lại cây tăm bông đó để lau lượt thứ 2.

Để đảm bảo vệ sinh, trước khi thay băng rốn hay vệ sinh rốn cho trẻ các mẹ nên rửa tay kỷ bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn.

Sau khi sinh khoảng 5 đến 7 ngày, phần rốn còn lại sẽ bắt đầu khô và rụng. (Ảnh minh họa: Internet)

4. An toàn vệ sinh thực phẩm cho mẹ

Ngoài việc để ý đến nhiệt độ và sức khỏe cho bé sơ sinh, các mẹ cũng đừng quên tự trang bị thêm cho mình những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy chọn lựa cho mình những thực phẩm tươi sống, chế biến an toàn để tránh các bệnh về tiêu hóa và giảm nguy cơ truyền bệnh sang con. Tránh ăn các thức ăn qua ngày, vì mùa hè là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nỡ khiến thức ăn dễ bị ôi thiêu.

Tương tự đối với những mẹ bổ sung nguồn sữa ngoài cho trẻ cần chú ý phải luôn giữ các dụng cụ cho bé bú như bình, thìa, núm ti trong tình trạng sạch sẽ.

5. Tắm nắng cho bé

Mẹ không nên giữ bé trong nhà quá lâu, nên thường xuyên cho bé ra ngoài tắm nắng, vì đây là điều kiện tốt giúp trẻ hấp thụ vitamin D, giúp bé tránh các bệnh còi xương, xương bị biến dạng cũng như tăng sức đề kháng cho trẻ.

Tuy nhiên các mẹ các lưu ý chỉ nên cho trẻ tắm nắng trong khoảng thời gian từ 6h30 đến 7h30. Không nên cho bé ra ngoài vào những thời điểm nắng nóng cao nhất là khoảng thời gian từ 10h sáng đến 14h chiều. Đồng thời tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào mắt bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn