Mẹ có biết rằng, "cơn ác mộng" với nhất nhiều bé là phải "đi bác sĩ" đấy! Làm sao để con không khóc lóc, không sợ hãi khi đi khám bệnh đây?





Có lẽ chẳng bé nào thích "đi bác sĩ" cả (người lớn cũng đâu có thích chút nào phải không), nhưng có một số bé còn sợ đến điếng người. Dĩ nhiên là vì bé không thích để người lạ khám cho mình, chưa kể đến việc có thể bé sẽ phải tiêm nữa (thật đáng sợ !). Vậy khi phải kiểm tra sức khỏe định kì, khi bị ốm bệnh, làm sao để con chịu đến bác sĩ mà mẹ không phải lôi kéo hoặc rát họng dụ dỗ đây?
Dưới đây là vài mẹo nhỏ giúp bé cảm thấy an toàn, bình tĩnh hơn trong lần khám tới, mẹ tham khảo nhé!
1. Hãy đi cùng con tới chỗ khám
Nhiều khi do bận bịu công việc, bố mẹ phải nhờ tới ông bà hay người thân nào đó đưa con đi bác sĩ, tuy nhiên, mẹ hoặc bố nên cố gắng đi cùng con trong 1 - 2 lần đầu. Lý do là khi bé thấy bố hoặc mẹ - những người thân thiết nhất, tin cậy nhất - tỏ ra tự nhiên ở địa điểm lạ đó và nhìn thấy bố mẹ mình tin tưởng vị bác sĩ kia như thế nào thì bé sẽ thấy an tâm hơn. Vì vậy, việc đi cùng con tới chỗ khám không chỉ cho bố mẹ biết trực tiếp tình trạng sức khỏe của con mình, mà còn giúp bé bạo dạn hơn tại nơi khám bệnh


2. Đọc sách và đóng giả bác sĩ
Hãy giúp con mường tượng được buổi khám sẽ như thế nào. Mua một bộ đồ chơi bác sĩ, áo blouse trắng và giả vờ diễn kịch ở phòng khám bệnh sẽ là một hình thức rất tốt để con có thể hình dung phòng khám bệnh là như thế nào. Bạn có thể cho con thấy bác sĩ sẽ khám miệng, nghe nhịp tim hoặc đo huyết áp ra sao, hoặc có thể dùng mô hình để con biết con sẽ được cân như thế nào. Mẹ cũng có thể đọc những cuốn sách dành cho trẻ em có minh họa về việc đi khám bệnh. Đây là cách làm giúp trẻ có hình dung sẵn về bác sĩ và phòng khám.
3. Chấp nhận nỗi sợ hãi của con
Tránh nói những câu dạng như: "Đừng sợ!", "Tiêm không đau đâu con" hoặc "Đừng khóc mà"... bởi làm vậy sẽ khiến mẹ có vẻ không đáng tin và thiếu sự quan tâm với bé. Thay vì thế, hãy nói với bé rằng: "Bố/mẹ biết chuyện này sẽ không dễ dàng gì nhưng nó sẽ qua nhanh thôi... mẹ con mình sẽ cùng nhau vượt qua nhé...". Hãy cam đoan với con rằng bố/mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con từ đầu đến cuối để bé an tâm hơn. Có người nói, đa phần các bé sợ đi gặp bác sĩ chính là vì sợ tiêm. Vì thế, đừng bao giờ hứa với con rằng bé sẽ không phải tiêm (trừ khi bố mẹ đã được cho biết trước điều đó), thay vì thế, hãy giải thích với bé rằng, không phải lần nào đi khám bé cũng bị tiêm.
4. Giúp con thấy thoải mái và tự chủ
Ngồi tại bàn khám lại không có bố mẹ ở bên có thể khiến bé lo sợ. Vì vậy, hãy cân nhắc việc đặt bé ngồi trong lòng mẹ để con cảm thấy an toàn hơn. Bé sẽ tin rằng không có chuyện gì xấu có thể xảy ra nếu có bố hoặc mẹ bảo vệ cho mình.
Ngoài ra, bé cũng có thể thấy mất tự chủ bởi vì “một người lạ đang chạm vào bé và xâm phạm không gian cá nhân của bé..." Khi đó, hãy giúp con thấy tự chủ hơn bằng cách cho bé quyền quyết định, ví dụ như hỏi xem bé muốn được bác sĩ kiểm tra tai bên nào trước, bé thích bác sĩ khám mắt, ngực, bụng theo thứ tự nào hoặc bé có muốn mẹ nắm tay bé không... Trẻ em cũng thường dựa vào thái độ và lời nói của bố mẹ mà thấy thoải mái hay không. Vì vậy, nếu bố mẹ tỏ ra thoải mái, con cũng nhờ thế mà cảm thấy dễ chịu hơn.
5. Mang theo thú bông hoặc đồ chơi yêu thích của con
Núm vú giả hay một chiếc chăn có thể giúp con bình tĩnh hơn nhưng một chú gấu bông hoặc cô búp bê mà bé yêu thích có thể là một cách hiệu quả nhất giúp bác sĩ tiến hành khám bệnh cho bé. Con sẽ thấy là chẳng có chuyện gì xấu xảy ra khi bác sĩ khám cho búp bê và nếu bé được khám thì cũng sẽ không sao cả. Hoặc nếu bé có người anh chị em nào không sợ đi bác sĩ thì cũng nên cân nhắc việc rủ người này đi cùng và nhờ họ để bác sĩ khám trước. Thấy anh chị em của mình khám trước sẽ giúp trẻ giảm thiểu nỗi sợ hãi và cổ vũ tinh thần khiến trẻ trở nên can đảm hơn.
6. Đưa ra phần thưởng để trẻ mong đợi hơn
Cách bố mẹ hành động sau mỗi lần đi khám của bé có thể khiến những lần sau trở nên dễ chịu hơn. Khi rời khỏi phòng khám, hãy ôm con vào lòng, hôn con và khen ngợi bé kiểu như: “Con giỏi lắm, về nhà mẹ sẽ kể cho bà hoặc bố biết hôm nay con dũng cảm như thế nào”. Hoặc mẹ có thể dẫn bé đi xem phim hay đến khu vui chơi. Nhưng đừng khiến phần thưởng đó trở thành điều kiện cho việc con trở nên ngoan ngoãn, vì nếu con không thể vượt qua nỗi sợ hãi, con sẽ thấy buồn vì không được thưởng. Ngoài ra, mẹ cũng có thể kể với con những thứ hay ho khi đi khám (ví dụ như bác sĩ sẽ tặng hình dán cho bé chẳng hạn) và nhắc đi nhắc lại với con rằng mọi người sẽ rất tự hào vì con.
7. Hãy tin tưởng trực giác của bạn
Khi chọn bác sĩ nhi khoa cho con, tính cách cũng quan trọng không kém kiến thức và chuyên môn. Nhiều bé thì bác sĩ nào cũng sợ nhưng nếu con có vẻ thực sự sợ hãi, không chỉ là nỗi sợ chung chung, hãy hỏi con lý do tại sao và nói chuyện với những phụ huynh khác cũng có con khám ở chỗ bác sĩ này. Nếu nỗi sợ của con là có căn cứ, hãy tìm một vị bác sĩ mới và đừng quên hỏi ý kiến các vị phụ huynh đáng tin cậy khác.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn